/ Pháp luật - Đầu tư
/ Đặc biệt cẩn trọng với loại hình góp vốn đầu tư lãi suất cao

Đặc biệt cẩn trọng với loại hình góp vốn đầu tư lãi suất cao

05/08/2021 03:17 |

(LSVN) - Các doanh nghiệp đang thật sự khó khăn bởi sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh việc chạy đua phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất hấp dẫn thì hiện nay một số công ty, tập đoàn đang tung nhiều hình thức huy động vốn với lãi “khủng” như hợp tác kinh doanh, góp vốn đầu tư…

Những chiếc bánh hấp dẫn

Thời gian gần đây, giới đầu tư tài chính đang khá quan tâm đến chương trình góp vốn đầu tư của một công ty có tên Công ty Cổ phần Truyền thông và tổ chức sự kiện Tâm Lộc Phát (Công ty Tâm Lộc Phát). Cụ thể, theo thông tin giới thiệu từ nhân viên tư vấn của công ty này thì nhà đầu tư chỉ cần tham gia một trong những gói đầu tư có giá trị từ 5 triệu đồng đến 5 tỉ đồng, sau 2 ngày làm việc là bắt đầu nhận tiền “hoàn vốn và lợi nhuận cam kết”. Đơn cử như, nếu khách hàng chọn gói đầu tư trị giá 500 triệu đồng, trong vòng 18 tháng thì sau 2 ngày làm việc, nhà đầu tư sẽ bắt đầu đều đặn nhận được lãi và gốc 2 triệu đồng/ngày các ngày trong tuần(trừ thứ 7 và chủ nhật), mỗi tháng nhà đầu tư sẽ nhận được 40 triệu đồng. Sau 18 tháng nhà đầu tư sẽ nhận được số tiền là 720 triệu đồng.

12 gói đầu tư của Công ty Tâm Lộc Phát.

Theo thông tin tra cứu trên cổng thông tin Thuế Việt Nam của Tổng Cục Thuế, Công ty Tâm Lộc Phát có mã số thuế 0108801118, ngày hoạt động 28/06/2019 và có địa chỉ tại 345 Lacaste, khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội, đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Khuyên.

Theo quảng bá trên wedsite: http//tamlocphat.com.vn của Công ty Tâm Lộc Phát, “Tổng Giám đốc Tâm Lộc Phát với 15 năm trong ngành tổ chức sự kiện, chuyên làm Trưởng ban tổ chức các sự kiện lớn cho Nhà nước, hiện đang công tác tại Đài truyền hình HDTV Việt Nam cùng với gần 20 các lãnh đạo chủ chốt đa lĩnh vực đã đồng hành cùng giúp đem lại sự phát triển bền vững cho Công ty chúng tôi. Tâm Lộc Phát có 1 câu lạc bộ nghệ sĩ làm cùng như nghệ sĩ Quang Tèo, nghệ sĩ Chiến Thắng, nghệ sĩ Xuân Bắc, nghệ sĩ Vân Dung và ca sĩ Ngọc Lâm. Ngoài ra, chúng tôi rất tự hào khi có truyền hình VTV1 đồng hành cộng tác cùng và Đài truyền hình thực tế HDTV Việt Nam ký hợp tác độc quyền”.

Hiện tại, Công ty này có 15 văn phòng, chi nhánh ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như; Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hạ Long, Sài Gòn, Bình Dương… Công ty đang sở hữu nhiều mảng kinh doanh như truyền thông và tổ chức sự kiện, chuỗi cafe nghệ sĩ, nhà hàng nghệ sĩ, hệ thống gian hàng tiện ích, quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp, hệ thống taxi Tâm Lộc Phát, bất động sản, kinh doanh công nghệ 4.0, kênh truyền hình Tâm Lộc Phát TV, báo điện tử TAMLOCPHAT24H.COM.

Trong vai nhà đầu tư, phóng viên để lại thông tin, số điện thoại trên wedsite http//tamlocphat.com.vn, chỉ ít phút sau có cuộc gọi đến từ số máy 093187370x giới thiệu là nhân viên tư vấn của Công ty Tâm Lộc Phát. Theo như lời người này hiện tại kênh đầu tư của Công ty Tâm Lộc Phát là kênh đầu tư góp vốn, hình thức hoàn vốn là chi trả trên tổng số tiền đầu tư là 8%/tháng bao gồm cả gốc và lãi (2,3% lãi và 5,7% gốc) trong vòng 18 tháng. Công ty hiện đang có 500 nhà đầu tư, người đầu tư nhiều nhất là một khách hàng ở Đồng Tháp với  số tiền đầu tư lên đến 15 tỉ đồng.

Khi phóng viên đặt câu hỏi “Nếu đầu tư thì Công ty có tài sản gì để đối chấp hay không?”, người này cho biết hiện tại Công ty Tâm Lộc Phát hoạt động về lĩnh vực tổ chức sự kiện, kênh truyền hình, báo điện tử… ngoài ra còn sản xuất cà phê, sản xuất nước lọc, kinh doanh quán cà phê nghệ sĩ và hãng taxi Tâm Lộc Phát. Khi phóng viên tiếp tục nhắc lại câu hỏi nêu trên thì người này cho biết đây là kênh đầu tư tín chấp cho nên sẽ không có tài sản đảm bảo.

Hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh

Theo giới thiệu của Công ty Tâm Lộc Phát, doanh nghiệp cam kết rằng hợp đồng pháp lý cụ thể rõ ràng; lợi nhuận chuyển mỗi ngày vào tài khoản sau 2 ngày kí hợp đồng; được rút vốn bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào xảy ra, không lo sợ về rủi ro…

Hợp đồng góp vốn kinh doanh. 

Đồng thời, Công ty Tâm Lộc Phát cũng đăng tải 12 gói đầu tư, từ thấp nhất 5 triệu đồng tới cao nhất là 5 tỉ đồng. Đặc điểm chung của các gói đầu tư này đều là mức lãi suất khá cao, điều này cũng dễ hiểu khi nhiều người sẵn sàng bỏ ra một khoản lớn tiền nhà rỗi để có khoản sinh lời cao hơn.

Với 12 gói đầu tư, Công ty Tâm Lộc Phát đưa ra một bản hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh, ký kết giữa bên A là Công ty Tâm Lộc Phát và bên B là nhà đầu tư, nhà đầu tư khi ký kết hợp đồng chỉ việc lựa chọn 1 trong 12 gói đầu tư được đưa ra. Thế nhưng, Hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh do Công ty Tâm Lộc Phát soạn thảo có đúng là cùng hợp tác đầu tư hay không?

Tại Điều 5.1 (về phía Công ty) của Hợp đồng góp vốn kinh doanh này có đoạn quy định: "Toàn quyền quản lý, điều hành, quyết định công việc kinh doanh và sử dụng vốn đầu tư theo quyền quyết định riêng của bên A dùng mục đích hợp tác trong hợp đồng này trong thời hạn hợp đồng". 

 Bản chất hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh này là ủy thác đầu tư. 

Theo Luật Đầu tư 2020, thì Hợp đồng BCC (Business Cooperation Contract) hay còn gọi là hợp đồng hợp tác kinh doanh, là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế... Nội dung quan hệ đầu tư theo hợp đồng BCC là những thỏa thuận thể hiện tính “hợp tác kinh doanh”, bao gồm các thỏa thuận bỏ vốn để cùng kinh doanh, cùng chịu rủi ro, cùng phân chia kết quả kinh doanh. Rõ ràng, hợp đồng mà Công ty Tâm Lộc Pháp soạn thảo không có tính chất này.

Mặt khác, hợp đồng này mang tính chất "ủy thác đầu tư" hơn cả. Bởi theo quy định pháp luật, ủy thác đầu tư là hoạt động của doanh nghiệp, được áp dụng cho hầu hết các ngành nghề. Theo đó, bên ủy thác đầu tư (bên giao vốn đầu tư), trường hợp này là doanh nghiệp tiến hành ủy thác một số vốn nhất định cho bên nhận ủy thác (bên nhận vốn đầu tư) có thể là ngân hàng, các công ty quản lý quỹ, các công ty tài chính, các quỹ đầu tư để tiến hành hoạt động đầu tư nhằm mục đích sinh lợi.

Chiếu theo các điều khoản được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010, phải khẳng định rõ Công ty Tâm Lộc Phát không phải là một tổ chức tín dụng, do đó không được phép thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng, bao gồm nhận tiền gửi; cấp tín dụng; cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

Có thể nói, Hợp đồng góp vốn kinh doanh của Công ty Tâm Lộc Phát được lập ra chỉ để che đậy bản chất thật của hoạt động ủy thác đầu tư, vốn đã vi phạm pháp luật khi doanh nghiệp này không có chức năng nhận ủy thác. Khi có tranh chấp xảy ra, hợp đồng này hoàn toàn có thể bị tuyên vô hiệu một phần hoặc toàn phần, dẫn đến tình trạng nhà đầu tư không thể đòi lại số tiền đã bỏ ra. Chưa kể, Công ty Tâm Lộc Phát không thể hiện được rõ ràng các loại tài sản, mà Công ty này đang giới thiệu sở hữu có chắc chắn đem lại lợi nhuận hay không, thậm chí cũng không đưa ra được một đảm bảo nào đối với nhà đầu tư rằng số tiền góp vốn sẽ không bị mất trắng. Với việc mọi hoạt động kinh doanh như thế nào, lời lãi ra sao chỉ Công ty Tâm Lộc Phát được biết, thì việc thay đổi hay kéo dài thời gian trả lợi nhuận cho nhà đầu tư cũng chỉ có doanh nghiệp này “hô biến” theo ý thích.

Với những điều khoản này của hợp đồng, nhà đầu tư hoàn toàn gặp bất lợi. 

PV

Doanh nghiệp vừa và nhỏ nhìn từ các nước Châu Âu trước đại dịch Covid-19

Lê Minh Hoàng