Sáng 27/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam bày tỏ ủng hộ sự cần thiết của dự thảo Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp trong hệ thống pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia…
Cho rằng Cơ quan chủ trì soạn thảo cần xem xét lại đối với quy định về đóng bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu cho biết, tại khoản 6 Điều 3 của dự thảo Luật quy định: “Bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm bắt buộc nhằm hỗ trợ người lao động để duy trì việc làm, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm và bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp”.
Trong khi đó, tại khoản 5 Điều 58 quy định: “Trường hợp, người sử dụng lao động không còn khả năng đóng số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình nhưng người sử dụng lao động chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại tiền mà người lao động đã đóng”.
Đại biểu cho rằng, việc quy định yêu cầu người lao động phải bỏ ra trước một khoản tiền để đóng đủ số tiền người sử dụng lao động chưa đóng mới được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là không hợp lý. Đại biểu đề nghị cần trích từ Quỹ bảo hiểm xã hội hoặc Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, để người lao động được hưởng chế độ sớm nhất và bảo hiểm xã hội cần có trách nhiệm thu hồi số tiền chậm đóng, trốn đóng…
Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu cho biết, quy định không cho phép người lao động bị sa thải, buộc thôi việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp là chưa hợp lý. Đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xây dựng quy định này theo hướng cho phép đối tượng này được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đầy đủ bằng chứng về việc bị từ chối việc làm do lý do bị sa thải, buộc thôi việc trước đó. Theo đại biểu, dự thảo Luật cũng cần có quy định và cơ chế kiểm soát phù hợp để tránh phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động liên quan đến vấn đề người lao động đã bị sa thải, buộc thôi việc trước đó.
Quan tâm về nội dung về đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết, dự thảo Luật đang quy định trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được phép sử dụng tiền của mình để nộp vào quỹ bảo hiểm để được hưởng các chế độ…
Đại biểu cho rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và có thể gây bức xúc cho người lao động, vì doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm mà người lao động phải tự nộp. Trong trường hợp này, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động. Đồng thời, có quy định về chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm.
“Từ đó cho thấy rằng việc đóng bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là quyền lợi của người lao động mà còn là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của người sử dụng lao động”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, trong trường hợp doanh nghiệp không đóng hoặc nợ bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan bảo hiểm có thể tạm ứng để người lao động không bị gián đoạn quyền lợi và bổ sung quy định buộc doanh nghiệp hoàn trả toàn bộ số tiền bảo hiểm thất nghiệp đã bị trốn đóng kèm lãi suất tương ứng.
Song, dưới góc độ doanh nghiệp, đại biểu đề nghị xem xét áp dụng cơ chế giãn, hoãn hoặc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, đặc biệt trong các tình huống kinh tế khó khăn, thiên tai, dịch bệnh nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, hiệu quả hơn trong việc quản lý bảo hiểm thất nghiệp; đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lợi của người lao động và khả năng tuân thủ của doanh nghiệp, hướng tới một môi trường lao động công bằng và bền vững.