Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.
Góp ý dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, tại Điều 12, Điều 14, Điều 22 của dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định giá trị của thông điệp dữ liệu chứng thư điện tử trong một số trường hợp theo hướng dẫn chiếu để các quy định pháp luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, hiện tại các quy định pháp luật về công chứng, chứng thực, tố tụng và chứng nhận lãnh sự hợp pháp hóa lãnh sự chưa có quy định dành cho việc công chứng, chứng thực thông điệp dữ liệu, sử dụng thông điệp dữ liệu làm chứng cứ hợp pháp hóa lãnh sự, chứng thực sự một chứng thư điện tử.
Đại biểu đề nghị rà soát rõ chủ thể có quyền chuyển đổi giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu. Việc quy định giá trị phổ thông điệp dữ liệu chứng thư điện tử theo hướng dẫn chiếu này đặt ra yêu cầu phải rà soát, bổ sung các quy định tương ứng trong hệ thống văn bản pháp luật về công chứng, chứng thực tố tụng, chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự. Đại biểu cũng đề nghị nên cân nhắc xem xét cần thiết phải sửa đổi quy định ở cấp độ các bộ luật, luật hay chỉ cần ban hành quy định sửa đổi, bổ sung hướng dẫn ở cấp độ nghị định có liên quan đến công chứng, chứng thực thông điệp dữ liệu, sử dụng thông điệp dữ liệu làm chứng cứ hay hợp pháp hóa lãnh sự, chứng thực lãnh sự một chứng thư điện tử.
Để quy định ban hành được nhanh chóng áp dụng trên thực tế, cơ quan soạn thảo có thể tham vấn thêm ý kiến của các cơ quan quản lý chuyên ngành như Bộ Tư pháp, cũng như nghiên cứu các quy định từ các nước đã áp dụng việc công chứng thông điệp dữ liệu để quy định một cách cụ thể hơn về vấn đề này. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cũng đề nghị ban soạn thảo rà soát rõ chủ thể có quyền chuyển đổi giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu.
Đối với quy định tại Điều 25 về chữ ký điện tử, đại biểu đồng ý với cơ quan soạn thảo đã tiếp nhận ý kiến góp ý và bổ sung thêm quy định khung về các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử không phải là chữ ký điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử, các bên không sử dụng chữ ký để thực hiện việc mua bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, mà thay vào đó việc mua bán hàng hóa sẽ được thực hiện thông qua việc người mua hàng bấm chọn để xác nhận việc đặt hàng và giao dịch mua bán được giao kết tại thời điểm đó.
Đại biểu cho rằng, việc bổ sung này phần nào giải quyết được về mặt nguyên tắc, cách thức xác nhận giao dịch như vậy cũng có thể được pháp luật công nhận.
Tuy nhiên, theo dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), hình thức của chữ ký điện tử chỉ bao gồm một trong ba loại sau: Chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng công vụ. Đại biểu cho rằng, quy định này có phần chưa sát thực tiễn giao kết giao dịch trên môi trường điện tử.
Trên thực tế có ba loại chữ ký điện tử được sử dụng phổ biến: Chữ ký số (có giá trị pháp lý và độ an toàn cao nhất được tổ chức chứng thực chữ ký); chữ ký scan (đặc biệt thông dụng trong các hợp đồng liên quan đến giao dịch đa quốc gia có yếu tố nước ngoài về mặt chủ thể); chữ ký hình ảnh (được sử dụng nhiều trong trường hợp trong hợp đồng có giá trị không lớn nhưng được ký nhiều lần và lặp đi lặp lại).
Đối chiếu với dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi lần này, Đại biểu cho rằng, chữ ký scan và chữ ký hình ảnh dường như không thể xếp vào bất kỳ loại chữ ký điện tử nào quy định tại Điều 25. Do đó, giá trị pháp lý cho hai loại chữ ký này có thể không được công nhận. Tuy nhiên, hai loại chi phí này tương đối phổ biến và áp dụng nhiều trong thực tiễn. Do đó, Đại biểu đề nghị nếu chữ ký điện tử đáp ứng đủ các điều kiện để đảm bảo chữ ký an toàn, giá trị pháp lý của các loại chữ ký điện tử, ngoài chữ ký số thì nên được công nhận.
PV
Sáng nay Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)