/ Hoạt động Luật sư
/ Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh: Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh: Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy

01/11/2024 11:18 |

(LSVN) - Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng, dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy, mà trực tiếp là thiết kế, sử dụng điện trong cơ quan, tổ chức, gia đình.

Sáng nay (ngày 01/11), tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

Trong đó đáng chú ý, tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa bày tỏ nhất trí với nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Dự thảo Luật trình Quốc hội đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn, đại biểu cho rằng, trong phòng cháy chữa cháy thì phòng cháy giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Theo Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy, mà trực tiếp là thiết kế, sử dụng điện trong cơ quan, tổ chức, gia đình.

Đại biểu cho biết, Điều 7 dự thảo Luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, điều luật này cũng chưa nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều này nội dung: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình phải chịu trách nhiệm chính trong việc phòng cháy, trong trường hợp để xảy ra cháy tại cơ quan, tổ chức, gia đình mình.

Bên cạnh đó, Điều 23 của dự thảo Luật có quy định về phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện, tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa nêu rõ hệ thống thiết bị an toàn trong việc sử dụng điện cho sinh hoạt cũng như sản xuất, kinh doanh, mới chỉ nêu chung chung các điều kiện an toàn phòng cháy.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng cần nêu rõ hơn trong mỗi thiết bị sử dụng điện phải có hệ thống cầu chì, để khi xảy ra cháy, cầu chì sẽ tự ngắt nguồn điện, không gây cháy các phương tiện, thiết bị khác. Đại biểu đề nghị bổ sung Điều 23 một khoản với nội dung: Khi lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, phải có thiết bị bảo đảm tự ngắt nguồn điện.

Điều 49 và Điều 50 của dự thảo Luật có đề cập đến nguồn tài chính bảo đảm cho việc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Theo đại biểu cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, cá nhân. Cụ thể, các chủ thể này trong các quan hệ phòng cháy, chữa cháy nên chịu một phần kinh phí cho công tác chữa cháy.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh, sau khi hoàn thành công tác chữa cháy, cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, cá nhân cần chịu một phần kinh phí theo một tỷ lệ nhất định.

Phát biểu giải trình, tiếp thu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, các ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các đại biểu Quốc hội rất sâu sắc, toàn diện, trách nhiệm…

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, các ý kiến đại biểu góp ý tập trung vào các nội dung về: Bổ sung, giải thích từ ngữ; công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy; công tác huấn luyện kỹ năng thoát nạn cho người dân; quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kinh phí cho phòng cháy, chữa cháy…

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ nghiên cứu, tiếp thu thấu đáo, giải trình cụ thể để hoàn chỉnh dự án Luật. Bên cạnh đó, trên tinh thần đổi mới theo sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra đã tham mưu, hoàn chỉnh các chính sách trên tinh thần tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp; đảm bảo an toàn cho người dân là trên hết; đồng thời tháo gỡ những khó khăn còn vướng mắc trong thực tế hiện nay.

PV

Các tin khác