Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, theo tinh thần giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và chi phí sản xuất, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, trong đó có vấn đề công bố hợp quy sản phẩm, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đã góp phần tăng trưởng kinh tế lên 2 con số. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề còn tồn tại chưa được tiếp thu chỉnh sửa, phù hợp với yêu cầu quản lý và hội nhập quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Cà Mau.
Theo Đại biểu, về công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa, cần bãi bỏ quy định công bố hợp quy đối với hàng hoá có quy chuẩn kỹ thuật. Bởi lẽ, chuẩn mực quốc tế về yêu cầu kỹ thuật liên quan đến chất lượng, an toàn sản phẩm hàng hoá (Hiệp định TBT, Hiệp định SPS của WTO...) quy định các nước được quyền đưa ra các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa (Việt Nam gọi là Quy chuẩn kỹ thuật) để tổ chức, cá nhân tham chiếu áp dụng trong sản xuất kinh doanh sản phẩm hàng hoá và để nhà nước làm căn cứ kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kiểm tra.
Bên cạnh đó, không có quốc gia nào quy định người sản xuất, kinh doanh phải công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa trước khi sản xuất kinh doanh và đưa hàng hoá ra thị trường như Việt Nam. Việc quy định công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là không có ý nghĩa trong quản lý, chồng chéo, phát sinh thủ tục hành chính, chi phí, thời gian vô lý cho doanh nghiệp.Thực sự đây đang là một khó khăn cho doanh nghiệp, gây tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa VN và gánh nặng cho người tiêu dùng trong nước.
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, tồn tại của quy định công bố hợp quy còn chưa phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước là “chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm”. Các đối tác quốc tế sẽ lấy làm căn cứ phản ứng, Việt Nam đang tạo ra hàng rào phi thuế quan không có cơ sở để cản trở thương mại. Các cơ quan quản lý nhà nước chủ yếu tập trung vào kiểm soát thủ tục công bố hợp quy và các yêu cầu điều kiện tiền kiểm trước khi đưa sản phẩm hàng hóa vào sản xuất mà lơ là các biện pháp hậu kiệm; còn người tiêu dùng lại bị đánh lừa, bởi các chiêu bài quảng cáo là “chất lượng và an toàn sản phẩm đã được công nhận bởi bộ nọ, ngành kia...”. Bài học của vụ sữa giả, kém chất lượng vừa qua là điển hình của việc lơ là trong hậu kiểm, Đại biểu dẫn chứng.
Ngoài ra, về phân loại sản phẩm hàng hóa theo mức độ rủi ro, để có căn cứ khoa học và pháp lý trong hoạt động kiểm soát chất lượng và an toàn sản phẩm hàng hóa, các nước phát triển và các hệ thống chất lượng của quốc tế (ISO, GMP, HACCP…) đều chia hàng hóa thành 3 nhóm: rủi ro thấp; rủi ro trung bình; rủi ro cao. Từ đó người sản xuất có căn cứ để đưa ra các biện pháp kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm và nhà nước có căn cứ đưa ra chế độ (tần suất) kiểm tra phù hợp.
Tuy nhiên, về cách thức công bố chất lượng và chế độ kiểm tra sản phẩm hàng hóa là chưa phù hợp với yêu cầu quản lý và hội nhập quốc tế, vì vẫn yêu cầu người sản xuất, kinh doanh phải công bố hợp quy sản phẩm (ném tiền qua cửa sổ cho các tổ chức chứng nhận và phòng thử nghiệm) mà nhẽ ra họ chỉ cần công bố tiêu chuẩn chất lượng và quy chuẩn kỹ thuật áp dụng. Công bố quy chuẩn áp dụng khác về bản chất so với công bố hợp quy (công bố tiêu chuẩn áp dụng là người sản xuất chỉ việc thông báo là hàng hóa của mình làm theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng của nhà nước; còn cống bố hợp quy là người sản xuất (hoặc thuê tổ chức) lấy mẫu, bỏ chi phí xét nghiệm cho sản phẩm của mình khi đi vào sản xuất. Đây mới là điểm nghẽn của những điểm nghẽn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa Việt Nam hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh nhận định, giảm chi phí và giá thành sản phẩm sẽ là một đòi hỏi sống còn cho khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi các nước đang dựng lên hàng rào thuế quan rất cao và cũng đã đến lúc đất nước ta phải rất cần sự thống nhất cao cho phát triển. Không thể cùng một vấn đề mà mỗi bộ, mỗi địa phương, thậm trí trong cùng một bộ, thì mỗi đơn vị làm một cách.
Do đó, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật phải đưa ra được những nguyên tắc chung và tiến bộ về cách thức tiếp cận và phương thức quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Nếu không làm được như vậy thì khi về tới các bộ ngành, địa phương sẽ lại rất tùy tiện, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, làm giảm sức sản xuất, sức cạnh tranh của hàng hóa và thương hiệu Việt Nam.