Ảnh minh họa.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/8, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về tình hình dự trữ xăng dầu của các thương nhân đầu mối và của quốc gia đáp ứng được bao lâu. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp dự trữ xăng dầu trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án về nâng mức dự trữ xăng dầu. Theo đó, mức dự trữ xăng dầu thành phẩm sẽ nâng từ 440.000 lên 800.000 đến 900.000m3 (tức từ 07 ngày lên nửa tháng).
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thông tin, trong quy định mới không chỉ dự trữ xăng dầu thành phẩm mà còn dự trữ cả dầu thô. Bởi, dầu thô là nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy lọc dầu trong nước. Công suất dầu thô sẽ bảo đảm được 15 cho đến 20 ngày nhập ròng.
Liên quan đến việc đầu tư về hạ tầng xăng dầu, khí đốt quốc gia, trong đó có vấn đề dự trữ xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, Chính phủ cũng đã phê chuẩn quy hoạch hạ tầng xăng dầu, khí đốt quốc gia và kế hoạch của quy hoạch này cũng đã được triển khai đến các địa phương.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nhận định, 02 năm qua việc điều chỉnh, điều hành xăng dầu rất ổn do chúng ta đã điều chỉnh cơ chế giá (điều chỉnh từ 10 ngày xuống 07 ngày) nên biên độ giá dao động trong nước và thế giới không lớn. Bên cạnh đó, đã có cơ chế điều chỉnh chi phí thực tế phát sinh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu từ 06 tháng xuống 03 tháng.
Thậm chí khi có những biến động lớn thì Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh để cập nhật chi phí thực tế phát sinh cho các doanh nghiệp để bảo đảm các doanh nghiệp không lỗ.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) tranh luận. Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, điều hành của Bộ Công thương và Bộ Tài chính trong thời gian vừa qua rất tốt, người dân rất đồng tình. Từ đầu năm tới nay, thậm chí năm 2023 chưa có sử dụng bình ổn giá xăng dầu do điều hành 07 ngày/lần. Có sự điều chỉnh liên tục như vậy mà giá xăng dầu của chúng ta hiện nay tương đương với giá thị trường.
Từ những lý do trên, đại biểu băn khoăn và đặt câu hỏi có nên duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu nữa hay không vì quỹ bình ổn giá xăng dầu là người dân tham gia đóng góp nhưng hiện nay không sử dụng tới.
Đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị, Bộ Công thương, Tài chính có thể đề xuất với Chính phủ, Quốc hội không sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu nữa để người dân không phải tham gia đóng góp mà để giá xăng dầu đi theo giá thị trường.
MINH NGUYÊN (t/h)