/ Tin nổi bật
/ Đại biểu Quốc hội tranh luận về tên gọi của Luật Đường bộ

Đại biểu Quốc hội tranh luận về tên gọi của Luật Đường bộ

24/11/2023 15:40 |

(LSVN) - Về tên gọi của dự thảo Luật Đường bộ, Đại biểu Quốc hội cho rằng giao thông đường bộ phải có người dân và phương tiện vận tải tham gia chứ không chỉ có kết cấu giao thông và vận tải giao thông. Do đó, Đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần có giải trình cụ thể hơn; chỉ rõ hơn những nội dung bất cập của Luật hiện hành cũng như lý do vì sao chỉ đặt tên là Luật Đường bộ...

Ảnh minh họa.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 24/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ. 

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ thống nhất với sự cần thiết của việc xây dựng Luật theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh nhằm khắc phục những bất cập của Luật hiện hành; có những điểm hạn chế cần được phải sửa đổi, bổ sung.

Về tên gọi của dự thảo Luật, Đại biểu cho rằng giao thông đường bộ phải có người dân và phương tiện vận tải tham gia chứ không chỉ có kết cấu giao thông và vận tải giao thông. Do đó, Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có giải trình cụ thể hơn; chỉ rõ hơn những nội dung bất cập của Luật hiện hành cũng như lý do vì sao chỉ đặt tên là Luật Đường bộ...

Về phạm vi áp dụng, điều chỉnh của dự thảo Luật, Đại biểu chỉ rõ, đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, cá nhân nằm trong phạm vi điều chỉnh; tuy nhiên phạm vi áp dụng mới chỉ quy định về phương tiện, đường bộ;... Đại biểu cho rằng quy định như trên sẽ rất bất cập nên cần quan tâm, quy định rõ ràng hơn.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật xác định phạm vi điều chỉnh là hoạt động đường bộ gồm các quy định về sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ nhưng lại không quy định về tham gia giao thông đường bộ là một trong các hoạt động sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ mà quy định trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 

Như vậy, giữa tên luật, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung cụ thể trong dự thảo Luật chưa thống nhất, chưa làm rõ được những nội dung cần quy định trong luật và những nội dung cần quy định trong dự thảo của Luật Giao thông đường bộ. Do đó, Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo có giải trình rõ ràng hơn nội dung này.

Còn Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) thì nhất trí với tên gọi, sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008; đồng thời, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Góp ý về bố cục dự thảo Luật, Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng Chương 2 và Chương 3 chưa hợp lý bởi đường bộ cao tốc là đường bộ và cũng thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ. Chương quy định kết cấu hạ tầng đường bộ thì phải bao hàm cả đường bộ cao tốc. Do vậy, Đại biểu đề nghị gộp Chương 3 về Đường bộ cao tốc vào Chương 2 và là 1 mục của Đường bộ cao tốc sẽ đảm bảo tính logic và chặt chẽ hơn. Đồng thời, tại Chương 2 nên có mục lớn quy định về an toàn kết cấu hạ tầng  đường bộ; nội hàm của mục này bao gồm các quy định và các biện pháp đảm bảo an toàn cho kết cấu hạ tầng đường bộ. 

Tranh luận với Đại biểu Phạm Văn Hòa và các Đại biểu khác về tên Luật, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho rằng, tên dự án Luật cần tập trung nêu bật được ý nghĩa của luật và càng ngắn càng tốt. Nếu một số Đại biểu đề nghị đổi tên để mang đầy đủ ý nghĩa của luật đó là không cần thiết và rất dài. Vì luật nào cũng có điều đầu tiên quy định về phạm vi điều chỉnh. Các cá thể tham gia giao thông chỉ là một trong những phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Đường bộ.

Do đó, Đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu quan điểm, tên luật càng ngắn càng tốt và tên dự thảo luật là Luật Đường bộ, như vậy là đã đầy đủ.

TRẦN QUÝ

Quốc hội chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi)

Nguyễn Hoàng Lâm