/ Tin nổi bật
/ Đại biểu Quốc hội tranh luận về việc trang bị máy bay cho Cảnh sát Cơ động

Đại biểu Quốc hội tranh luận về việc trang bị máy bay cho Cảnh sát Cơ động

27/10/2021 00:03 |

(LSVN) - Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến cho ý kiến về dự thảo luật Cảnh sát Cơ động. Hầu hết đại biểu đều tán thành sự cần thiết của luật và thống nhất về nội dung, song vẫn còn một số quy định gây tranh luận.

Có nhất thiết phải trang bị máy bay riêng?

Dự thảo luật quy định Cảnh sát Cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề: "Lực lượng phòng không, không quân, cũng như Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Kiểm ngư đã có tàu bay, tàu biển sẵn có, tại sao chúng ta không phối hợp sử dụng phương tiện kỹ thuật này của các lực lượng này khi cần thiết". 

Theo ông Hòa, quân đội sẵn sàng hỗ trợ tích cực, đắc lực cho lực lượng Công an, lực lượng Cảnh sát Cơ động để thực hiện nhiệm vụ. Trong khi, nếu mua tàu bay, tàu biển cho Cảnh sát Cơ động phải trang bị kỹ thuật, sân bay riêng... rất tốn kém.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) đề nghị Cảnh sát Cơ động sử dụng chung phương tiện với các lực lượng khác để tiết kiệm ngân sách.

Cùng ý kiến, Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, việc Cảnh sát Cơ động sử dụng máy bay khi làm nhiệm vụ trong một số tình huống đặc biệt là cần thiết. Mặt khác, quy định cho Cảnh sát Cơ động được phối hợp với Cảnh sát, Quân đội hoặc lực lượng khác để làm nhiệm vụ là phù hợp.

Tuy nhiên, ông Thắng đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ, đánh giá tác động nhiều chiều và lấy ý kiến Đại biểu về việc mua sắm máy bay riêng cho Cảnh sát Cơ động. Thay vì mua sắm riêng có thể nghiên cứu hướng để Cảnh sát Cơ động có thể phối hợp sử dụng máy bay của Quân đội hoặc các lực lượng khác nhằm hạn chế việc tiêu tốn nhiều nguồn lực quốc gia.

"Việc phối hợp huy động lực lượng, phương tiện sẵn có sẽ tiết kiệm, hiệu quả hơn mua sắm riêng", Đại biểu Thắng nêu.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng không nên tiết kiệm với an ninh quốc gia.

Cùng tranh luận lại với Đại biểu Phạm Văn Hòa và Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) chia sẻ quan điểm đất nước khó khăn cần phải tiết kiệm, song không nên tiết kiệm đối với Cảnh sát Cơ động, là lực lượng nòng cốt quan trọng nhất của Bộ Công an.

“Nếu họ ngăn chặn được những vụ khủng bố, bạo loạn, đảm bảo trật tự an ninh quốc gia thì không thể đo đếm được bằng tiền”, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nói và lưu ý thế giới đang phát triển rất nhanh, nếu không phản ứng kịp thời thì không theo kịp tình hình.

Tranh luận lại, Đại biểu Hoàng Đức Thắng khẳng định việc Cảnh sát Cơ động được trang bị và sử dụng phương tiện hiện đại là hai câu chuyện khác nhau. Ông ủng hộ việc Cơ sát Cơ động sử dụng các phương tiện máy bay, tàu thủy trong một số tình huống đặc biệt, tuy nhiên việc mua sắm trang bị là cần xem xét. Bởi, Cảnh sát Cơ động có thể phối hợp với các lực lượng khác sử dụng phương tiện mà không nhất thiết phải mua sắm trang bị riêng. Từ đó, Đại biểu tiếp tục đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ và có thể lấy ý kiến của Đại biểu Quốc hội đối với vấn đề này.

Rà soát tránh chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ

Tại phiên thảo luận, nhiều Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của Cảnh sát Cơ động để tránh tình trạng lạm dụng thẩm quyền cũng như chồng chéo với thẩm quyền của các cơ quan, lực lượng khác gây xung đột trong hệ thống pháp luật.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng), dự thảo luật trao quyền cho Cảnh sát Cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó trong trường hợp cấp bách, trừ phương tiện, thiết bị của cơ quan ngoại giao.

“Quy định như dự thảo thì trong trường hợp cấp bách, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Cơ động được quyền huy động cả người, phương tiện, thiết bị của quân đội”, và như vậy chưa bảo đảm tính chính xác, chặt chẽ, chưa thống nhất với các luật khác, dễ dẫn đến lạm quyền và không khả thi khi thực hiện, theo bà Kim Thúy.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn Hưng Yên) đề nghị dự thảo luật nêu cụ thể căn cứ, điều kiện, trình tự thủ tục, thẩm quyền quy định, nhất là những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân như giải tán các vụ tập trung đông người, gây rối an ninh trật tự...

Cũng theo nữ Đại biểu, dự thảo quy định Cảnh sát Cơ động có quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam trong trường hợp cấp bách. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn thẩm quyền cũng như trình tự, thủ tục huy động để đảm bảo thống nhất với các quy định có liên quan. Việc huy động trên cơ sở tự nguyện để đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp.

Đại biểu Trần Đình Chung (Đoàn Đà Nẵng) cũng cho biết, chưa có các quy định giải thích cụ thể về các trường hợp cấp bách. Với tính chất là lực lượng tác chiến, nhiều trường hợp sử dụng biện pháp vũ trang, vũ khí đặc chủng, hỏa lực mạnh, hoạt động của Cảnh sát Cơ động có liên quan tới quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nên việc quy định cụ thể các trường hợp cấp bách trong là rất cần thiết, làm căn cứ xác định phạm vi, quy mô điều động và công tác chỉ đạo triển khai Cảnh sát Cơ động phù hợp với quy mô, tính chất các vụ việc.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ thiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật.

Báo cáo giải trình, tiếp thu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ thiếp thu đầy đủ ý kiến Đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật. Trong đó rà soát chỉnh lý vị trí, chức năng, nhiệm vụ, huy động người và phương tiện, hợp tác quốc tế... để tránh chồng chéo với các lực lượng khác cũng như đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đại tướng Tô Lâm cũng nhấn mạnh thêm, phạm vi hoạt động của lực lượng Cảnh sát Cơ động thể hiện trên cơ sở quy định của Luật Công an Nhân dân. Thực tế qua trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết cho thấy các vụ việc không chỉ xảy ra ở thành phố lớn, khu vực trọng điểm mà còn ở miền núi, bên giới và có vụ việc diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố.

Về việc trao thẩm quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát Cơ động, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay Cảnh sát Cơ động bảo vệ gần 650 mục tiêu trên toàn quốc, bảo vệ các hội nghị, sự kiện quan trọng tại Việt Nam cũng như các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhiều phương tiện bay không người lái siêu nhẹ được sử dụng rộng rãi trong đời sống, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự.

Ông Tô Lâm lấy ví dụ, trường hợp phản động và tội phạm lợi dụng các phương tiện bay không người lái để có thể mang chất nổ, chất hóa học, sinh học phá hoại hoặc gây nguy hại cho các mục tiêu. Nếu lực lượng trực tiếp bảo vệ không được quyền ngăn chặn mà chờ lực lượng khác đến xử lý thì sẽ gây ra hậu quả về nhiều mặt, nhất là các mục tiêu quan trọng về chính trị, ngoại giao. Do vậy, dự thảo luật cần phải quy định rõ về quyền hạn, nhiệm vụ cho Cảnh sát Cơ động.

PV

Hôm nay Quốc hội thảo luận cơ chế đặc thù cho 4 tỉnh và thực hiện chính sách quản lý, sử dụng bảo hiểm xã hội

Lê Minh Hoàng