/ Kinh tế - Pháp luật
/ Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: Không nên tăng lương theo kiểu bình quân, 'cào bằng'

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: Không nên tăng lương theo kiểu bình quân, 'cào bằng'

22/10/2022 23:05 |

(LSVN) - Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, không nên tăng thu nhập bình quân, cào bằng, những người có mức thu nhập thấp, lương hưu thấp thì mức tăng nên cao hơn; những người đã có mức lương cao thì mức tăng nên thấp hơn.

 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh.

Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức. Nếu được thông qua, việc điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ 01/7/2023.

Trao đổi với báo chí liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng: Chính sách tiền lương cho cán bộ công chức viên chức hiện nay chưa tương xứng, mức thu nhập còn quá thấp.

Theo ông, trong số hàng triệu cán bộ công chức, có thể một bộ phận nhỏ tiền lương với họ không có ý nghĩa quá lớn, còn lại đa số cán bộ công chức vẫn đang sống nhờ vào tiền thu nhập chính thức và có nguyện vọng tập trung vào công vụ, sống được bằng tiền lương. Thời gian qua dù Nhà nước đã tìm cách tăng thêm thu nhập, nhưng mức lương của công chức, viên chức vẫn thấp hơn mức sống trung bình.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp, cơ bản dẫn đến tham nhũng. Cán bộ công chức viên chức lương thấp nhưng lại chịu nhiều ràng buộc, trước những áp lực này, không ít công chức, viên chức đã xin nghỉ việc.

Giải pháp khắc phục là tăng lương cơ bản, nhưng mức thu nhập của những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện nay không giống nhau. Đại biểu lý giải, một bộ phận công chức, viên chức có thâm niên ít, nên lương hưu rất thấp, hay những công chức, viên chức trẻ, mức lương hàng tháng cũng không đủ sống. Trong khi đó, một bộ phận khác dù đã về hưu nhưng mức lương vẫn rất cao.

"Chính vì vậy, nếu tăng lương cơ bản một cách bình quân thì những người có bậc lương thấp vẫn rất khó khăn, mức tăng không đáng kể, trong khi đó, những người có mức lương tháng, lương hưu cao lại tăng rất nhiều. Không nên tăng thu nhập bình quân, cào bằng, những người có mức thu nhập thấp, lương hưu thấp mức tăng nên cao hơn, những người đã có mức lương cao thì mức tăng nên thấp hơn. Ví dụ một anh hiện lương có 5 triệu nên tăng làm sao lên 8 -10 triệu, còn anh kia lương hưu đang là 15 - 20 triệu thì mức tăng nên thấp hơn", đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, mục đích của tăng lương cơ sở là tăng thu nhập cho cán bộ công chức để họ có thể sống được bằng lương và chăm lo cho gia đình bằng tiền lương thu nhập chính thức từ cơ quan tổ chức.

Hiện nay mức sống xã hội tăng cao, song tiền lương lại không theo kịp, nhiều cán bộ công chức, viên chức mới vào hệ thống công vài năm, thậm chí 5-7 năm, thì tiền lương vẫn thấp hơn nhiều so với mức sống tối thiểu.

Để đạt được mục đích công chức viên chức có thể sống được từ thu nhập chính thức, toàn tâm toàn ý lo cho công vụ, không cần làm thêm chỗ này chỗ kia thì tăng lương cơ bản là một trong những việc cần làm ngay, làm tức thời, nhưng chưa đủ. Hơn hết, cả hệ thống chính trị, Chính phủ phải tính toán thêm. Nếu tình trạng công chức viên chức không sống được bằng thu nhập chính thức kéo dài sẽ có nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.

PV

Bàn về người đại diện của cá nhân trong tố tụng hình sự

Lê Minh Hoàng