GS. TS Nguyễn Đăng Dung- Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tham luận.
Hội thảo tiếp đón nhiều nhà khoa học có tên tuổi, có kinh nghiệm giảng dạy và làm công tác tư pháp như: GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; TS Đinh Thế Hưng, Viện Nhà nước và pháp luật - Viện hàn lâm KHXH Việt Nam; GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng đại diện các trường đại học trong vùng như: Đại học Hà Tĩnh, Đại học Quảng Bình, đại diện các cơ quan thực thi pháp luật như: TAND tỉnh Nghệ An, Công an tỉnh Nghệ An, TAQS Quân khu khu 4 và đông đảo các thầy, cô giáo, sinh viên Trường Đại học Vinh về tham dự.
Tại hội thảo, GS.TS Hoàng Thế Liên đã đề dẫn và định hướng nhiều nội dung mới, gợi mở trong cải cách tư pháp của Đảng ta, thực hiện độc lập tư pháp thực tiễn và trong thời gian tới, những vấn đề hội thảo cần quan tâm, cần phân tích. Độc lập tư pháp phải đặt trong hệ thống chính trị, quyền lực thống nhất. Có thượng tôn pháp luật, mới có độc lập tư pháp, không có thượng tôn pháp luật thì không có độc lập tư pháp.
Các đại biểu về tham gia Hội thảo.
Ông Hoàng Thế Liên cũng nhấn mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thì vấn đề độc lập tư pháp nói chung, độc lập tư pháp đối với các TAND có vai trò hết sức quan trọng. Bởi Nhà nước pháp quyền là Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, mà Tòa án với vai trò như người “trông giữ pháp luật”, có thẩm quyền xem xét, đánh giá đúng sai của hành vi, văn bản phán quyết cũng như các vi phạm pháp luật, tranh chấp giữa các tổ chức, cá nhân để ra phán quyết công bằng, vô tư, khách quan.
Muốn vậy, trước hết cần có sự tổng kết lý luận và thực tiễn thực hiện quyền tư pháp ở nước ta để làm rõ khái niệm và bản chất, nội hàm của quyền tư pháp (cơ quan, tổ chức, cá nhân nào) có quyền tư pháp, được thực hiện quyền tư pháp, các cơ quan tư pháp là cơ quan nào, chức năng nhiệm vụ từng cơ quan, cơ quan nào là cơ quan tư pháp, cơ quan nào là cơ quan hỗ trợ tư pháp, cần phân biệt cơ quan có liên quan đến việc thực hiện quyền tư pháp, hoạt đông tư pháp và cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Đồng thời, làm rõ mối quan hệ giữa ba nhành quyền lực của Nhà nước: Quyền lập pháp - Quyền hành pháp - Quyền tư pháp và cơ chế điều hành đảm bảo thực hiện quyền tư pháp của TAND theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
GS.TS Nguyễn Đăng Dung một người có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy đã đi sâu phân tích Tòa án thực hiện quyền tư pháp độc lập và bảo vệ công lý - cơ hội hay là thách thức cho việc giải mã câu: “Bộ binh, Bộ hộ, Bộ hình”. GS nêu nhiều dẫn chứng đang diễn ra về thực hiện độc lập tư pháp ở nước ta hiện nay. Theo đó, GS cũng cung cấp cho hội thảo thêm nhiều kiến thức về thực hiện độc lập tư pháp của các nước trên thế giới. Làm cho người nghe có nhiều kiến thức để nâng cao trình độ, có cái nhìn khách quan biện chức, về độc lập tư pháp ở nước ta hiện nay và trong thời gian tới.
Tại hội thảo của Trường Đại học Vinh, cũng có nhiều nhà khoa học tuổi đời còn trẻ nhưng đã dày công nghiên cứu, tìm tòi có nhiều bài viết đã được hội thảo quan tâm như: TS Nguyễn Văn Đại nói về quyền tư pháp trong kiểm soát quá trình phân cấp, phân quyền của nền hành chính trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Theo đó, TS Nguyễn Văn Đại đã nêu lên 06 kiến nghị để đảm bảo sức mạnh của quyền tư pháp đối với quá trình phân cấp quản lý hành chính Nhà nước Việt Nam.
Chủ trì Hội thảo GS.TS Hoàng Thế Liên ( người ngồi giữa), GS.TS Lê Hồng Hạnh ( người ngồi bên trái), TS Đinh Văn Liêm ( người ngồi bên phải).
TS Đinh Văn Liêm, Chủ nhiệm khoa Luật Đại học Vinh cho rằng, độc lập tư pháp là một giá trị căn bản của Hiến pháp và pháp luật các nước ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Độc lập tư pháp mang lại giá trị cao nhất cho xã hội, là một nguyên tắc cần thiết để bảo vệ quyền tự do và các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để thực hiện nguyên tắc độc lập tư pháp trong Nhà nước pháp quyền là vấn đề khó cần có sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay.
Hội thảo cũng lắng nghe một số đại biểu đang thực thi pháp luật chia sẻ về quan điểm của mình. Cụ thể, theo ông Lê Văn Quỳnh, Phó Chánh án TAND tỉnh Nghệ An, thời gian qua Tòa đã tích cực thực hiện cải cách về tư pháp, các Thẩm phán độc lập trong xét xử. Nhưng, trong thực tế xét xử đang gặp nhiều khó khăn xử lý các vụ án có ý kiến chỉ đạo, xét xử lãnh đạo cấp tỉnh.
Hội thảo chụp ảnh chung lưu niệm.
Chia sể tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Điệp, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An cho biết, muốn có độc lập tư pháp trước hết phải xác định quyền hạn của Tòa phải rõ ràng, trao quyền cho Thẩm phán, các bản án cần tôn trọng ý kiến của Luật sư.
Cuộc hội thảo góp phần xây dựng đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Đây cũng dịp các nhà nghiên cứu luật pháp khắp cả nước cùng nhau thảo luận những ý tưởng mới, gợi mở, đề xuất những giải pháp độc đáo, những bước đi, biện pháp hữu ích cho cải cách tư pháp nói chung và độc lập tư pháp ở Việt Nam nói riêng. Cuộc hội thảo đã làm rõ cơ sở lý luận về quyền tư pháp và độc lập tư pháp, phân tích đánh giá thực trạng về độc lập tư pháp trong thực tiễn xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay.
Hội thảo cũng là nơi bổ ích cho các nhà giáo, nhà nghiên cứu trẻ, những người đang thực thi pháp luật cùng các em sinh viên đang theo học tại trường.
HẢI HƯNG
Lễ công bố và đón nhận Quyết định thành lập Chi bộ Thời báo Văn học nghệ thuật