Tham dự Đại hội, về phía đại biểu khách mời có ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp; ông Lê Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Nội chính, Ban Nội chính Trung ương; ông Bùi Huy Thành, Phó Vụ trưởng Vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương cùng đại diện Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Cục Bổ trợ Tư pháp.
Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Luật sư trong Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc và 351 đại biểu Luật sư tham dự.
Đại hội đã thông qua danh sách Đoàn Chủ tịch Đại hội và Ban Thư ký Đại hội để điều hành. Theo đó, Đoàn Chủ tịch Đại hội gồm: Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn; Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn; Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn; Luật sư Nguyễn Thế Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, Kỷ luật.
Ban Thư Ký Đại hội gồm: Luật sư Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh; Luật sư Lê Cao Long, Ủy viên Hội đồng Luật sư Toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh; Luật sư Nguyễn Kỳ Việt Chương, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ; Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Phát biểu khai mạc ngày làm việc thứ nhất, Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam…
Tiếp nối Chương trình, Đại hội đã thông qua Chương trình, Nội quy và Quy chế Đại hội; thông qua các Quy chế bầu cử: (i) Quy chế bầu cử Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc và Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III; (ii) Quy chế bầu cử Ủy viên Ban Thường vụ và các Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III.
Luật sư ... đã báo cáo tóm tắt tổng kết công tác nhiệm kỳ II và phương hướng công tác nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Trong nhiệm kỳ qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng trong tổ chức và hoạt động, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên tất cả các mặt hoạt động của Liên đoàn và các Đoàn Luật sư. Những thành công đó của Liên đoàn Luật sư Việt Nam dựa trên những mặt thuận lợi cơ bản như:
Thứ nhất, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là Bộ Tư pháp cơ quan được Đảng, Nhà nước giao thống nhất quản lý Luật sư và hành nghề Luật sư trong toàn quốc.
Thứ hai, xuất phát từ chủ trương cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, có thể khẳng định ít có một nghề nào ở Việt Nam mà thể chế pháp lý lại được quan tâm hoàn thiện như nghề Luật sư.
Thứ ba, nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của các chủ thể xã hội ngày một tăng không chỉ trong lĩnh vực tranh tụng các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính mà trong cả hoạt động tư vấn pháp lý cho cá nhân, doanh nghiệp
Thứ tư, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam đã tạo cơ hội cho đội ngũ Luật sư giao lưu, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kinh nghiệm quốc tế trong tranh tụng và tư vấn cũng như cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, làm việc tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn ở nước ngoài
Thứ năm, thể chế về Luật sư và nghề Luật sư được hoàn thiện không chỉ bằng các quy định của pháp luật mà hoạt động của Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư và tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư còn có một hệ thống các quy định nội bộ do Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành, từ Điều lệ đến các quy chế làm việc nội bộ của các cơ quan, đơn vị thuộc Liên đoàn…
Về phát triển số lượng của đội ngũ Luật sư, tại thời điểm Liên đoàn Luật Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II (tháng 4/2015), số lượng Luật sư cả nước là 9.436 Luật sư, cho đến nay đã tăng lên 16.134 Luật sư (sau hơn 6 năm số lượng Luật sư tăng gần 6.700 Luật sư tương đương 40%). Số lượng Luật sư tăng đều hàng năm, trung bình mỗi năm tăng khoảng 1.000 Luật sư. Như vậy, trong hơn 06 năm qua, đội ngũ Luật sư nước ta đã phát triển tương đối nhanh về số lượng. Sự phát triển về số lượng Luật sư vẫn chủ yếu tập trung ở 2 thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Về nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư, thực hiện định hướng chiến lược của Đảng, với chính sách, pháp luật và sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của tổ chức Luật sư và các Luật sư, trong những năm qua chất lượng đội ngũ Luật sư đã từng bước được nâng cao. Đa số các Luật sư có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, có ý thức phấn đấu đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước; giữ vững và phát huy những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Luật sư.
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ Luật sư và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư, trong hơn 6 năm qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư đã tổ chức được 876 lớp bồi dưỡng, riêng Liên đoàn tổ chức được 204 lớp bồi dưỡng với sự tham gia của 32.677 lượt Luật sư tham gia; mỗi lớp có khoảng 100 Luật sư tham dự, trong đó tập trung bồi dưỡng về Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư, về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hành nghề Luật sư...
Qua 2 nhiệm kỳ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong tổ chức, hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp và kết quả trong hành nghề của đội ngũ Luật sư. Đồng thời, Liên đoàn cũng nhận diện được tương đối đầy đủ những tồn tại, hạn chế. Vì vậy, phương hướng phát triển cho nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam được tập trung vào một số nội dung sau:
1. Xây dựng được một bộ máy hoạt động chuyên môn hóa và chuyên nghiệp, trong đó chú ý tới vị trí các chức danh được bầu trong các cơ quan Liên đoàn Luật sư Việt Nam như Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Liên đoàn, Chủ nhiệm một số ủy ban, đơn vị trực thuộc Liên đoàn. Các chức danh chủ chốt cần dành đủ thời gian cho công việc được giao để thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ được Luật Luật sư và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam quy định. Đồng thời cần xây dựng cho được bộ máy giúp việc gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả.
2. Xây dựng cơ chế phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan đơn vị trực thuộc Liên đoàn với Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật của các Đoàn Luật sư để xử lý hiệu quả các công việc đặt ra...Trong đó chú ý tới công tác đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Luật sư, bồi dưỡng Luật sư, động viên khuyến khích Luật sư tham gia đóng góp vào những hoạt động chung của Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
3. Tiếp tục củng cố niềm tin vững chắc với Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương về đội ngũ Luật sư có phẩm chất chính trị, đạo đức liêm chính, trong sáng, có khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng và cộng đồng xã hội; xây dựng tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước và đội ngũ Luật sư. Đặc biệt là tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư có khả năng tập hợp đội ngũ Luật sư thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị - pháp lý do Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền giao phó; xây dựng, phát triển đội ngũ Luật sư luôn ý thức tinh thần phục vụ cộng đồng và phụng sự công lý.
4. Quan tâm phát triển đội ngũ Luật sư về số lượng nhưng chú trọng đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất.
5. Triển khai chiến lược quảng bá truyền thông về Luật sư, nghề Luật sư để các cơ quan Nhà nước và nhân dân hiểu biết đầy đủ về những đóng góp của đội ngũ Luật sư trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, trong cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Khích lệ tinh thần phục vụ cộng đồng, phụng sự công lý của đội ngũ luật sự, tạo động lực và nguồn cảm hứng cho đội ngũ Luật sư đóng góp vào xây dựng đất nước. Xây dựng hình ảnh Luật sư vì cộng đồng và vì công lý, làm cho mỗi Luật sư luôn có niềm tự hào và hãnh diện khi được đứng trong đội ngũ Luật sư. Nghề Luật sư là một nghề cao quý trong xã hội, mỗi Luật sư sẽ tự hào về nghề nghiệp mà mình đã theo đuổi và cống hiến trong cuộc đời.
Ngoài ra, Đại hội lần này cũng sẽ thảo luật và thông qua dự thảo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam (sửa đổi); bầu các cơ quan và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III.
MỸ LINH - THANH LOAN