/ Hoạt động Luật sư
/ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc

26/12/2021 03:59 |

(LSVN) – Sáng nay (26/12/2021), Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục bước vào phiên làm việc thứ hai. Tại phiên làm việc này, Đại hội tiến hành thông qua Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ II và phương hướng công tác nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Báo cáo công tác tài chính nhiệm kỳ II và phương hướng công tác tài chính nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Báo cáo kiểm điểm của Hội đồng đồng luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ và Thường trực Liên đoàn nhiệm kỳ II; Dự thảo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam (sửa đổi); Nghị quyết Đại hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Đại hội vinh dự chào đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Các khách mời dự Đại hội là đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương, gồm có: Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Lê Thành Long, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; ông Lê Khánh Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Uông Chu Lưu, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Vũ Đức Hiển, nguyên Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội; ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; ông Hà Hùng Cường, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; ông Phan Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và đại diện UBND các tỉnh, thành phố.

Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; các Luật sư trong Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cùng gần 400 Luật sư đại diện cho 63 Đoàn Luật sư trên toàn quốc.

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam báo cáo kết quả ngày làm việc thứ nhất.

Tại Đại hội, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phát biểu khai mạc Đại hội và báo cáo kết quả ngày làm việc thứ nhất.

Theo đó, ngày làm việc thứ nhất, Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III đã hoàn thành các thủ tục để tổ chức Đại hội, trong đó đại biểu tham dự Đại hội đạt trên 2/3 số tổng số đại biểu. Do đó, việc tổ chức Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III là phù hợp với Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Đại hội đã thông qua Nội quy, Quy chế Đại hội, Quy chế bầu cử Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc và Chủ tịch Liên đoàn Luật sự Việt Nam nhiệm kỳ III; Quy chế bầu cử Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn và các Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III.

Đại hội đã thảo luận các báo cáo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, gồm: Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ II, phương hướng công tác nhiệm kỳ III; Báo cáo kiểm điểm công tác của Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ và Thường trực Liên đoàn nhiệm kỳ II; Báo cáo công tác tài chính nhiệm kỳ II và phương hướng công tác tài chính nhiệm kỳ III; trình Đại hội thảo luận về Dự thảo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).

Các đại biểu tham dự Đại hội.

Đặc biệt, Đại hội đã bầu ra được 31 ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ III trên tổng số 94 ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc (trong đó có 63 ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc đương nhiên là Chủ nhiệm của 63 Đoàn Luật sư). Hội đồng Luật sư toàn quốc đã bầu ra 21 ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn; bầu Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III là Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh. Hội đồng Luật sư toàn quốc đã bầu ra các Phó Chủ tịch Liên đoàn, gồm các Luật sư: Phan Trung Hoài; Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Lưu Tiến Dũng, Nguyễn Hải Nam, Đào Ngọc Chuyền.

Với chủ đề Đại hội “Đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương, quyết tâm xây dựng đội ngũ Luật sư trong sạch, vững mạnh, bảo đảm phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của xã hội và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa", các đại biểu tham dự Đại hội đã thể hiện trách nhiệm, làm việc nghiêm túc, đóng góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội và lựa chọn bầu ra những Luật sư xứng đáng để gánh vác những trọng trách Liên đoàn Luật sư giao phó.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III là một sự kiện quan trọng, tiếp tục khẳng định sự phát triển lớn mạnh không ngừng về tổ chức và hoạt động của Luật sư Việt Nam trong những năm qua. Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những đóng góp to lớn của giới Luật sư Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm.

Trong những năm qua, đội ngũ Luật sư trong cả nước đã nỗ lực hoạt động, cống hiến, góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm dân chủ, công bằng, văn minh. Các Luật sư tham gia bào chữa trong nhiều vụ án nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm đã thực hiện đúng nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, góp phần phân tích, thẩm định, đánh giá chứng cứ nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp cho quá trình giải quyết các vụ án được khách quan, công bằng, đúng pháp luật, bảo đảm công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Niềm tin của công dân, của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đối với đội ngũ Luật sư Việt Nam ngày càng được củng cố và tăng cường. Nhiều tổ chức hành nghề Luật sư đã thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước. Cùng với đó, sự trưởng thành, lớn mạnh của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong 2 nhiệm kỳ qua đã cho thấy Liên đoàn ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đoàn Luật sư, các Luật sư trong cả nước; tập hợp và tổ chức, động viên Luật sư tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; phổ biến, tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng chống các vi phạm; góp phần củng cố và tăng cường pháp chế trong mọi lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động xã hội. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà nước, cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp với giới Luật sư Việt Nam, góp phần đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.

Cũng tại Đại hội, Chủ tịch nước cơ bản thống nhất với Báo cáo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và gợi mở thêm một số vấn đề để Đại hội cùng thảo luận và thống nhất. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam khóa III.

Phát biểu đáp từ chỉ đạo của Chủ tịch nước, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, Liên đoàn Luật sư Việt Nam rất vinh dự được Chủ tịch nước đến dự phát biểu chỉ đạo và động viên Đại hội. Đây là sự kiện hết sức quan trọng của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và của đội ngũ Luật sư Việt Nam. Sự hiện diện của Chủ tịch nước cùng lãnh đạo các cơ quan, ban ngành là sự động viên to lớn với đội ngũ Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Qua bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch nước, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ Luật sư Việt Nam nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn về trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư, xây dựng nghề Luật sư ở Việt Nam đáp ứng các yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội, ý thức được trách nhiệm trong việc đóng góp vào công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phục vụ nhân dân.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ Luật sư Việt Nam sẽ tiếp thu nghiêm túc đầy đủ những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ Luật sư sẽ nghiên cứu đầy đủ những nội dung chỉ đạo của Chủ tịch nước để đề ra những nhiệm vụ trọng tâm và chương trình hành động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong thời gian sắp tới. Với mục tiêu xây dựng đội ngũ Luật sư đông về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đội ngũ Luật sư có phẩm chất chính trị tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng và có kỹ năng nghiệp vụ tinh thông, xây dựng niềm tin vững chắc với Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội về chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý của Luật sư, ngày càng đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phải là nơi tập hợp đoàn kết đội ngũ Luật sư cùng nhau góp phần vào bảo vệ công lý, bảo vệ nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; Liên đoàn phải thực sự là cầu nổi vững chắc giữa Đảng, Nhà nước và đội ngũ Luật sư.

Đội ngũ Luật sư Việt Nam nguyện phấn đầu và thực hiện nghiêm túc các quy định của Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, theo đúng tinh thần của Chủ tịch nước đã chỉ đạo để góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, không phụ lòng tin, sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước với Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Tiếp nối Chương trình, Đại hội đã thông qua: Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ II và phương hướng công tác nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Báo cáo công tác tài chính nhiệm kỳ II và phương hướng công tác tài chính nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Báo cáo kiểm điểm của Hội đồng đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ và Thường trực Liên đoàn nhiệm kỳ II; Dự thảo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam (sửa đổi).

Tại Đại hội, Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn, Thường trực Liên đoàn nhiệm kỳ III đã ra mắt Đại hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu.

Danh sách Ủy viên Hồi đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ III:

31 Ủy viên Hồi đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ III gồm các Luật sư: Đỗ Ngọc Thịnh, Phan Trung Hoài, Nguyễn Hải Nam, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Thế Phong, Lê Nết, Lưu Văn Tám, Nguyễn Văn Hậu, Hà Hải, Lưu Tiến Dũng, Trần Anh Đức, Đỗ Trọng Hải, Trần Tuấn Phong, Hoàng Thanh Bình, Diệp Thị Hoài Nam, Huỳnh Phương Nam, Nguyễn Đình Thơ, Nguyễn Trọng Điệp, Nguyễn Đình Hải, Trương Nhật Quang, Nguyễn Huy Thiệp, Bùi Quang Nghiêm, Nguyễn Thị Hương Lan, Nguyễn Thị Hồng Thắm, Lê Hồng Nguyên, Nguyễn Bảo Trâm, Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Chu Thị Trang Vân, Phạm Đức Hùng, Lê Tuấn Khanh, Nguyễn Hoàng Tiến.

Danh sách Ủy viên Ban Thường vụ nhiệm kỳ III:

21 Ủy viên Ban Thường vụ nhiệm kỳ III gồm có các Luật sư: Đỗ Ngọc Thịnh, Phan Trung Hoài, Lưu Tiến Dũng, Nguyễn Thế Phong, Nguyễn Hải Nam, Trương Trọng Nghĩa, Trương Xuân Tám, Trần Minh Trị, Trần Văn An, Hà Hải, Nguyễn Thị Hồng Thắm, Đào Ngọc Chuyền, Diệp Thị Hoài Nam, Lê Quang Y, Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Nguyễn Đình Thơ, Trần Tuấn Phong, Lê Cao Long, Lê Hồng Nguyên, Trần Anh Đức, Nguyễn Văn Hậu.

Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III đã bầu Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ II tiếp tục giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III.

Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ III đã bầu ra 5 Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III gồm các Luật sư: Phan Trung Hoài; Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Lưu Tiến Dũng, Nguyễn Hải Nam, Đào Ngọc Chuyền.

Tại Đại hội, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III đã gửi lời cảm ơn tới Ban Thường vụ, Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ II đã tín nhiệm, tin tưởng lựa chọn vào vị trí Chủ tịch Liên đoàn, Chủ tịch Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ III. Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, nhận trọng trách Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam khóa III là một vinh dự to lớn song cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề truớc đội ngũ Luật sư cả nước, đòi hỏi bản thân Luật sư phải nỗ lực rèn luyện phấn đầu, để hoàn thành trọng trách mà Đại hội giao phó. 

Đại hội cũng đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội.

Đại diện Bộ Tư pháp tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích.

Tại Đại hội, các cá nhân, tập thể đã vinh dự nhận bằng khen của Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam vì đã có những đóng góp to lớn trong quá trình công tác.

Như vậy, sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, trách nhiệm, Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra và đã thành công tốt đẹp. Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, để có được kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của các cơ quan ban ngành Trung ương, đặc biệt là sự quan tâm, phối hợp của Bộ Tư pháp, sự hỗ trợ giúp đỡ của nhiều bộ ngành và các cơ quan liên quan, đặc biệt là trách nhiệm đóng góp của các đại biểu tham dự Đại hội.

THANH THANH – MỸ LINH

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Lê Minh Hoàng