Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II.
Tham dự Đại hội lần này có 457 đại biểu chính thức được triệu tập (tăng 71 đại biểu so với Đại hội nhiệm kỳ II), đại diện cho hơn 16.200 Luật sư và hơn 5.000 người tập sự hành nghề Luật sư thuộc 63 Đoàn Luật sư trên cả nước. Cùng với đó, Đại hội cũng sẽ vinh dự đón tiếp sự tham dự của các vị đại biểu khách mời là đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, tổ chức ở trong và ngoài nước.
Trong thời gian qua, mặc dù còn gặp không ít khăn và ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, nhưng Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư và giới Luật sư cả nước đã xây dựng và triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, hiệu quả liên quan đến nghề Luật sư cũng như trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung của đất nước. Hơn 6 năm qua, Liên đoàn và các Đoàn Luật sư đã tổ chức được 876 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 32.677 lượt Luật sư; đã tổ chức thành công 12 kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư với 9.901 người tập sự tham dự; Liên đoàn đã có ý kiến đóng góp với 139 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan, trong đó có nhiều văn bản pháp luật quan trọng; tích cực tham gia và tham gia hiệu quả vào việc rà soát văn bản, thủ tục hành chính, trợ giúp pháp lý cho công dân cũng như các hoạt động xã hội khác. Không chỉ là thành viên chính thức của Hiệp hội Luật châu Á - Thái Bình Dương (LawAsia), Hiệp hội Luật sư quốc tế (IBA). Thời gian qua, Liên đoàn còn chủ động mở rộng quan hệ với nhiều tổ chức Luật sư của các nước như Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức, Nhật Bản, Malaysia, Lào, Campuchia...
Với những đóng góp vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị pháp lý và kết quả trong tổ chức và hoạt động về nghề Luật sư ở Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư và giới Luật sư cả nước đã được Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội ghi nhận, tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý khác nhau. Đặc biệt, năm 2015, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Để chuẩn bị Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, nhiều tháng qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, chương trình, hình thành các tiểu ban và tiến hành hàng loạt các công tác khác nhau phục vụ Đại hội. Các văn kiện trình Đại hội lần này không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ II, mà còn nhìn lại hơn 12 năm hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam kể từ khi thành lập, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nghề Luật sư Việt Nam (2010-2020); đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động của Liên đoàn và nghề Luật sư ở Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị nhân sự được tiến hành thận trọng, bài bản, kỹ lưỡng theo quy định của Luật Luật sư và Quy chế Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Theo kế hoạch, trong hai ngày làm việc chính thức, Đại hội sẽ tập trung thảo luận, thông qua Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ II (2015-2021) và phương hướng công tác nhiệm kỳ III (2021-2026) của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Báo cáo kiểm điểm công tác nhiệm kỳ II của Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ và Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam; thông qua Báo cáo công tác tài chính nhiệm kỳ II và kế hoạch công tác tài chính nhiệm kỳ III của Liên đoàn; thông qua dự thảo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam (sửa đổi); bầu các cơ quan và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III.
Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III là dấu mốc quan trọng của giới Luật sư, đồng thời là sự kiện được cả cộng đồng xã hội quan tâm. Tin rằng Đại hội sẽ diễn ra như kế hoạch và thành công tốt đẹp nhằm tiếp tục gắn kết Luật sư cả nước, phấn đấu để thực hiện ngày càng hiệu quả vai trò và sứ mệnh của mình.
BẢO HƯƠNG
Thông cáo báo chí Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2021-2026