/ Đời sống - Xã hội
/ Đắk Lắk: Cần xử lý nghiêm việc tranh chấp thiếu căn cứ tại địa phương

Đắk Lắk: Cần xử lý nghiêm việc tranh chấp thiếu căn cứ tại địa phương

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Mặc dù không có cơ sở pháp lý để tranh chấp, khởi kiện nhưng Công ty Nam Hải vẫn ngang nhiên lôi kéo đám đông, thậm chí còn xuất hiện các thành phần xã hội tạo dư luận xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, thu hút vốn đầu tư trên địa bàn thành phố, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Khoáng sản Ban Mê.

Các đối tượng ngang nhiên đưa các phương tiện cản trở không cho công ty Ban Mê khai thác. 

Đòi hỏi vô lý của Công ty Nam Hải?

Về nguồn gốc sử dụng đất và quá trình khai thác tại mỏ đá Ea Kmut, theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đắk Lắk, năm 2003, Công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu Quyết Thắng (Công ty Quyết Thắng) được UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép khai thác khoáng sản, chế biến đá xây dựng và cho thuê đất tại mỏ đá Ea Kmut thuộc xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột. Việc khai thác, chế biến được gia hạn vào các năm 2006 và 2008 (thời hạn khai thác và thuê đất đến hết ngày 03/10/2011). Năm 2014, UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi 78.300m2 đất tại xã Cư Êbur của Công ty Quyết Thắng, giao cho UBND TP. Buôn Ma Thuột quản lý.

Đến năm 2016, diện tích đất này được UBND tỉnh Đắk Lắk cho Công ty TNHH Khoáng sản Tài Phát thuê để khai thác, chế biến đá xây dựng theo Quyết định số 1994/QD-UBND ngày 07/7/2016. Sau khi cho phép Công ty TNHH Khoáng sản Tài Phát được chuyển nhượng quyền khai thác mỏ đá Ea Kmut, ngày 06/8/2018, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 1786/QĐ-UBND về việc thu hồi 78.300m2 đất của Công ty TNHH Khoáng sản Tài Phát, cho Công ty Ban Mê thuê diện tích đất này để sử dụng vào mục đích khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng.

Cũng theo Công văn số 9980/UBND-NNMT, hiện nay Công ty Ban Mê đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 78.300m2 đất tại mỏ đá Ea Kmut, xã Cư Êbur. Trường hợp Công ty Nam Hải cho rằng doanh nghiệp này có quyền sử dụng hợp pháp diện tích đất nêu trên, đề nghị khởi kiện đến Tòa án để được xem xét, giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.

Bản đồ khai thác đá tại thôn 6, xã Cư Ea Bur phân định rõ ràng mốc giới giữa Công ty Nam Hải và Công ty Ban Mê. 

Hồ sơ địa chính (sổ mục kê và bản đồ địa chính đo đạc năm 1997) thể hiện trước đây khu vực diện tích 78.300m2 đất Công ty Quyết Thắng lập thủ tục xin thăm dò, được cấp phép khai thác (hiện nay Công ty Ban Mê sử dụng) và diện tích 112.500m2 đất Công ty Nam Hải đang sử dụng, phần lớn diện tích này là đất hoang hóa (đất bằng chưa sử dụng), Nhà nước chưa cấp quyền sử dụng đất cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Mặt khác, trong thời gian Công ty TNHH Khoáng sản Tài Phát (sau này chuyển nhượng cho Công ty Ban Mê) lập thủ tục xin thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản và thuê đất tại khu vực trên, Công ty Nam Hải không có khiếu nại hay ý kiến gì về việc bồi thường, hỗ trợ về đất, không xảy ra tranh chấp và các bên đã thống nhất ký xác nhận ranh giới, mốc giới giữa 2 mỏ đá tại biên bản bàn giao thực địa vào ngày 21/7/2016.

Công ty Ban Mê được cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá Ea Kmut theo Giấy phép số 35/GP-UBND ngày 06/8/2018 của UBND tỉnh Đắk Lắk. Mỏ đá này thuộc thửa đất số 726, tờ bản đồ số 9, diện tích 78.300m2 tại xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột, được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số CM603185 ngày 04/12/2018 cho Công ty Ban Mê để sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm với thời hạn sử dụng đến ngày 07/7/2037.

Công ty Nam Hải có vi phạm pháp luật?

UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc Công Nam Hải ngăn cản và không cho Công ty Ban Mê tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản trên phần diện tích mà Công ty Ban Mê được Nhà nước cho thuê đất và cấp phép khai thác khoáng sản là trái pháp luật. Vì vậy, yêu cầu Công ty Nam Hải chấm dứt việc ngăn cản hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Ban Mê trên diện tích 78.300m2 đã được thuê và cấp GCNQSDĐ. 

“Nếu Công ty Nam Hải vẫn cố tình cản trở hoạt động khai thác khoáng sản của đơn vị khác, gây mất an ninh trật tự tại địa phương, UBND tỉnh sẽ dừng hoạt động khai thác, đồng thời xem xét thu hồi đất và giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Nam Hải tại khu vực nêu trên theo quy định”, Công văn của UBND tỉnh Đắk Lắk nêu rõ.

UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu, nếu xảy ra kiện tụng thì trong thời gian tòa án thụ lý giải quyết vụ việc, Công ty Nam Hải và Công ty Ban Mê phải chấp hành nghiêm ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, sử dụng đất theo đúng ranh giới đã được UBND tỉnh cho thuê.

Các đối tượng cản trở quá trình khai thác đá của Công ty Ban Mê gây mất trật tự trị an. 

Trước đó, Công ty Nam Hải và Công ty Ban Mê đã bị yêu cầu tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ đá thuộc thôn 8, xã Cư Êbur do những tranh chấp, xung đột gây mất an ninh trật tự. Theo báo cáo của Sở TN&MT, trong thời gian tạm dừng hoạt động, 2 doanh nghiệp này đã nghiêm túc chấp hành ý kiến chỉ đạo, không phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp. Do vậy, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý cho phép Công ty Nam Hải và Công ty Ban Mê tiếp tục được hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng giấy phép và ranh giới đất các doanh nghiệp được thuê.

UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở TN&MT, UBND TP. Buôn Ma Thuột và UBND xã Cư Êbur tiếp tục tăng cường theo dõi việc quản lý, sử dụng đất và hoạt động sản xuất của các đơn vị trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.

Trước đó, nhiều nội dung khiếu nại, kiến nghị xung quanh việc khai thác tại mỏ đá Ea Kmut Công ty Ban Mê kiến nghị xử lý vì được cấp quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản hợp pháp nhưng bị ngăn cản trái phép. Trong khi đó, Công ty Nam Hải cũng khiếu nại, cho rằng doanh nghiệp có quyền lợi liên quan tại khu vực mỏ đá Ea Kmut. Vụ việc tranh chấp, xung đột xung quanh quyền sử dụng đất và quyền khai thác khoáng sản giữa Công ty Cổ phần Khoáng sản Ban Mê (gọi tắt là Công ty Ban Mê) và Công ty TNHH Xây dựng Nam Hải (gọi tắt là Công ty Nam Hải) đã kéo dài nhiều năm nay tại khu vực mỏ đá Ea Kmut thuộc xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhiều phương án giải quyết đã được đưa ra. Tuy nhiên, vụ việc vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để, gây tình trạng mất an ninh trật tự tại địa phương và ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức bị xâm phạm.

TÙNG LÂM

Phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Giao thông Vận tải

Lê Minh Hoàng