Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, để đảm bảo tốt công tác giảng dạy trong năm học mới, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các địa phương triển khai phương án dạy học bằng hình trực tiếp và thức gián tiếp căn cứ theo tình hình thực tế của dịch bệnh.
Cụ thể, đối với các địa phương được xác định vùng xanh, Cấp THCS, THPT và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức và giảng dạy trực tiếp với điều kiện giáo viên, học sinh phải thuộc vùng xanh.
Cấp Tiểu học tổ chức giảng dạy và học tập bằng hình thức gián tiếp (trực tuyến, truyền hình và giao bài). Riêng đối với học sinh lớp 1, lớp 2 thì ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này, khi học sinh đi học trở lại phải tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ. Cấp Mầm non sẽ nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.
Đối với các địa phương thuộc vùng vàng, vùng cam và vùng đỏ, giảng dạy và học tập bằng hình thức gián tiếp (trực tuyến, truyền hình và giao bài). UBND tỉnh cũng giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động đề xuất hình thức tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Thầy Nguyễn Văn Dũng – Hiệu Trưởng trường THCS Trần Quang Diệu (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: Sáng nay trường có có 70% học sinh học trực tuyến, 30% học sinh học theo hình thức truyền hình và giao bài. Vì có nhiều em học sinh không có điều kiện để trang bị thiết bị điện tử và mạng internet phục vụ học trực tuyến nên nhà trường đã tổ chức cho các em học theo hình thức học trên truyền hình và giao bài. Đối với hình thức giao bài, giáo viên sẽ soạn bài và đến tận nơi để giao bài cho các em học.
Cũng trao đổi về vấn đề này, Cô Đặng Thị Hải Yến – Hiệu Trường trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, để bước vào năm học mới một cách tốt nhất trước tình hình dịch bệnh, các giáo viên của nhà trường đã làm tốt công tác chuẩn bị cho hình thức dạy học trực tuyến, tỷ lệ các em tham gia lên đến 95%. Riêng học sinh khối lớp một thì có chút khó khăn vì các em còn nhỏ và có nhiều phụ huynh phải đi làm nên giáo viên đã chia lớp thành hai buổi học, phụ huynh nào thuận lợi thì các em học buổi sáng, phụ huỵnh nào bận việc thì các em sẽ học buổi tối và chia làm hai ca, mỗi ca 20 em để các cô quán xuyến và dạy học hiệu quả hơn.
Theo số liệu khảo sát của Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, tỷ lệ giáo viên, học sinh không đủ điều kiện dạy và học trực tuyến, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tương đối cao. Trong đó, tỷ lệ học sinh không có điều kiện học trực tuyến qua Internet, trên truyền hình ở bậc Trung học phổ thông (61.443 học sinh) là 3,24%; Giáo dục thường xuyên (4.389 học sinh) là 4,53%; Trung học cơ sở (127.634 học sinh) là 17,54%; bậc Tiểu học (189.978 học sinh) là 61,7%. Bên cạnh đó, học sinh ở bậc Tiểu học có 61,7% lựa chọn theo hình thức giao bài, phiếu học tập.
Đối với giáo viên, tỉ lệ giáo viên có điều kiện dạy trực tuyến qua Internet ở bậc Trung học phổ thông 99,29%; Giáo dục thường xuyên 100%; Trung học cơ sở 99,13%; Tiểu học là 62% (giáo viên Tiểu học chỉ thống kê giáo viên chủ nhiệm lớp dạy 02 môn Tiếng Việt và Toán).
Cũng theo Sở GD&ĐT, một trong những khó khăn để triển khai dạy học trực tuyến là nhiều học sinh, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa thiếu thiết bị học trực tuyến. Cơ sở năng lực sử dụng công nghệ thông tin của nhiều học sinh Tiểu học, một bộ phận học sinh Trung học còn hạn chế. Kỹ năng học tập trực tuyến chưa cao. Một số giáo viên lớn tuổi kỹ năng dạy học trực tuyến chưa thành thạo. Công tác tổ chức dạy học trong thời gian học sinh không thể đến trường do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chưa được đồng bộ giữa các cơ sở giáo dục... đã tạo những khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện.
HƯƠNG TRẦN