/ Đời sống - Xã hội
/ Đắk Lắk: Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp năm 2022

Đắk Lắk: Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp năm 2022

28/04/2022 07:29 |

(LSVN) – Sáng ngày 28/4, tại thành phố Buôn Ma Thuột diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các ban bộ ngành TW và địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện tổng thể các nhiệm vụ giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19, tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, hoàn thành mục tiêu kép “Vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ chăm sóc sức khỏe của nhân dân”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có ông Phùng Đức Tiến, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Nguyễn Đình Trung, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo của các tỉnh bạn, đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư,….

Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk có độ cao trung bình 500m so với mặt nước biển; cách thành phố Hồ Chí Minh 300km, thành phố Đà Nẵng 450km và thủ đô Hà Nội 900km đường không; Đắk Lắk có hệ thống giao thông đường hàng không và đường bộ kết nối với các vùng miền của cả nước tương đối hoàn thiện và thuận lợi.

Tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên lớn thứ 4 cả nước, với hơn 13.000 km2, trong đó có gần 40% đất đỏ bazan màu mỡ, nhiều sông hồ, khí hậu ôn hòa, rất phù hợp với các loại cây trồng như: cà phê, cao su và các loại cây ăn trái, cây dược liệu…; rất thích hợp để phát triển ngành trồng trọt và chăn nuôi. Cà phê Đắk Lắk có diện tích hơn 210.000 ha, sản lượng hàng năm hơn 520.000 tấn; sản phẩm cà phê của tỉnh Đắk Lắk với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” nổi tiếng, đã có mặt trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 1 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp đang hoạt động, với tổng diện tích trên 600ha. Đồng thời, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh cũng đang thúc đẩy đầu tư Khu công nghiệp Phú Xuân, tại huyện Cư M’gar với quy mô hơn 300ha, ưu tiên thu hút các dự án chế biến nông lâm sản, thực phẩm ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, với vị trí địa lý đặc trưng đã mang đến cho tỉnh tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, nhất là thủy điện, điện gió, điện mặt trời..., cùng hệ thống truyền tải thuận lợi, là nguồn năng lượng dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, nhất là trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp.

Với dân số gần 2 triệu người và thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng Tây nguyên, có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển ổn định..., tỉnh Đắk Lắk là thị trường có sức tiêu thụ hàng hoá và sản phẩm nông nghiệp hàng đầu ở khu vực; đồng thời cung cấp được lực lượng lao động đông đảo, có chất lượng cho nhu cầu của tỉnh và nhiều địa phương trong cả nước.

Đắk Lắk còn là một trong những cái nôi nuôi dưỡng không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Cùng với các danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên và mang trong mình bản sắc văn hoá đa dạng, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định vai trò và tầm quan trọng của Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên “Vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đồng thời là khu vực giao hòa, kết tinh nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, tiềm năng to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng”.

“Tại Hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tỉnh định hướng tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực để khai thác tiềm năng và thế mạnh của vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Trong đó chúng ta luôn trân trọng vị thế, vai trò của Quý Doanh nghiệp, Nhà Đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực Nông nghiệp nói riêng; nhất quán quan điểm doanh nghiệp là đối tác đồng hành; hệ thống các cơ quan Nhà nước nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng, thương mại; áp dụng cơ chế hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, ưu tiên thực hiện các công trình có tính lan tỏa cao; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu; đào tạo nguồn nhân lực; đặc biệt quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Cũng phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Ngọc Nghị Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong những năm qua, kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk không ngừng phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững; quy mô và chất lượng nền kinh tế tiếp tục được nâng lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 8,5%. Sản xuất nông nghiệp đang tập trung theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường, bước đầu đã phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. 

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, giai đoạn 2020-2025, tỉnh Đắk Lắk đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kết nối công nghiệp chế biến với thị trường, từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn kết nông nghiệp với lâm nghiệp ở những nơi có điều kiện..., nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo bước phát triển đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.

Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó, tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai nhiều hành động cụ thể, quyết liệt cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Cùng với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, với nền văn hóa đa dạng và đặc sắc..., Đắk Lắk đang từng bước khẳng định là điểm đến tin cậy và hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.

 Toàn cảnh Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp Đắk Lắk 2022.

“Hội nghị hôm nay là diễn đàn giới thiệu, trao đổi, thảo luận để làm sáng tỏ thêm về tiềm năng, cơ chế chính sách, tạo sự bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời là dịp để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… tại tỉnh Đắk Lắk.

Với quan điểm nhất quán luôn trân trọng vị thế, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chúng tôi cam kết đồng hành để các dự án được trao Quyết định chủ trương đầu tư và ký kết biên bản ghi nhớ lần này sẽ sớm “đơm hoa, kết trái”; đồng thời hy vọng với sự đồng hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng sự hỗ trợ tích cực của các ban, bộ, ngành TW và các tỉnh bạn, sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư và tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới.”, ông Nghị nói.

LAM SƠN –HƯƠNG TRẦN

Tăng thời gian học thực hành lái xe ô tô trên đường

Loan B T Thanh