Sau 04 năm triển khai, thực hiện Luật Thi hành án hình sự 2019 (THAHS) và Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, công tác thi hành án hình sự (THAHS) tại cộng đồng và công tác tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, được các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm tạo điều kiện cho người chấp hành án hình sự tại cộng đồng (người chấp hành án) (bao gồm án treo, cải tạo không giam giữ, cẩm cư trú, cẩm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân, kiểm soát, giáo dục người chấp hành án phạt quản chế; quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện) và người chấp hành xong án phạt tù vừa cải tạo, vừa làm ăn sinh sống để hối cải hoàn lương ngay tại môi trường xã hội bình thường, dưới sự quản lý giám sát, giáo dục của chính quyền cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn); kết hợp với sự giáo dục của gia đình và cộng đồng dân cư nơi người chấp hành án và người chấp hành xong án phạt tù sinh sống, đã phát huy được tính giáo dục cao, làm cho người chấp hành án và người chấp hành xong án phạt tù nhận thấy được chính sách khoan hồng, nhân đạo của nhà nước mà thật sự hối cải, làm ăn sinh sống hòa nhập cộng đồng để trở về hoàn lương qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) ở địa phương.
Buổi tư vấn tâm lý, tuyên truyền chính sách đào tạo nghề, phổ biến kiến thức pháp luật tại Trại giam Đắk Trung (Bộ Công An) trên địa bàn huyện Cư M’gar.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc quán triệt, thực hiện Luật THAHS, Nghị định số 49/2020/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật quy định về THAHS còn chưa thường xuyên; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được tăng cường nhưng chưa sâu rộng; công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng còn hạn chế, vẫn còn có người chấp hành án và người chấp hành xong án phạt tù tái phạm, vi phạm pháp luật, vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án; công tác giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù và người chấp hành án hình sự tại cộng đồng hiệu quả chưa cao, nhất là việc học nghề, tạo việc làm, tìm việc làm để họ ổn định cuộc sống. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên một phần là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt, chưa phát huy cao độ năng lựccủa các nguồn lực trong cộng đồng xã hội; không ít người chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành án tại cộng đồng vẫn có tư tưởng tự ti, mặc cảm với quá khứ lầm lỗi của mình, không chịu sự quản lý, giáo dục của chính quyền địa phương...
Trước tình hình trên, để nâng cao hiệu quả công tác THAHS tại cộng đồng và THNCĐ đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục triên khai thực hiện nghiêm túc Luật THAHS 2019, Nghị định số 49/2020/NĐ-CP, Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án hình sự đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và Nhân dân đề nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành chính sách, pháp luật, gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích các cơ quan, tố chức, cá nhân tạo điều kiện giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tại địa phương học nghề, tìm việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Công an tỉnh tiếp tục chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp về ANTT; chỉ đạo quản lý chặt người chấp hành án và người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, hạn chế thấp nhất tái phạm tội; chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án và quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, xuất nhập cảnh... Tổ chức rà soát lại đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án hình sự, bổ sung biên chế cho các bộ phận còn thiếu, đảm bảo về số lượng và nâng cao chất lượng cán bộ; tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác THAHS và THNCĐ Công an cấp huyện, cấp xã. Xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc chấp hành pháp luật về THAHS và THNCĐ.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức thực hiện và hướng dẫn, chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo đảm THNCĐ đối với người chấp hành xong án phạt tù theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng. Tăng cường tuyên truyền, quán triệt, thực hiện nghiêm túc Luật THAHS 2019, Nghị định số 49/2020/NĐ-CP, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các Đài truyền thanh cơ sở dành thời lượng phát sóng để tăng cường tuyên truyền Luật THAHS 2019, Nghị định số 49/2020/NĐ-CP, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg và văn bản hướng dẫn thi hành về THAHS trong các tầng lớp Nhân dân để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, chú trọng tuyên truyền các mô hình, cá nhân tiêu biểu có cách làm sáng tạo, có hiệu quả thiết thực giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù THNCĐ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách huy động, khuyến khích các tổ chức kinh tế, xã hội và các cá nhân tham gia hoạt động đào tạo nghề, cho vay vốn, tạo việc làm để giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống. Hướng dẫn, đôn đốc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù; chủ động phôi hợp với Công an tỉnh, các trại giam đóng quân trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho số phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù; chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Bảo trợ xã hội tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù không có nơi nương tựa thuộc đối tượng chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội theo đúng quy định hiện hành.
Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan để nâng cao hiệu quả công tác THAHS tại cộng đồng và THNCĐ trên địa bàn tỉnh; tham mưu bố trí kinh phí từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đề cho vay đối với các đối tượng được thụ hưởng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg.
Đề nghị Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong phạm vị chức năng, nhiệm vụ của ngành mình để chỉ đạo, hướng dẫn việc rút ngắn, miễn, giảm, trong thi hành án hình sự, dân sự, việc xóa án tích cho người chấp hành xong án phạt tù khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Sở Tư pháp phối hợp với Công an tỉnh trong công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật về THAHS và THNCĐ trên địa bàn tỉnh; cập nhật kịp thời, đầy đủ các thông tin lý lịch tư pháp và thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp để xóa án tích khi khi đủ điều kiện cho người chấp hành xong bản án khi có yêu cầu.
Đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn về hồ sơ vay vốn, trình tự thủ tục cho vay, kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện; quản lý, huy động và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, thực hiện cho vay đúng đối tượng theo quy định tại Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. Phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyên đê kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mặc trong quá trình thực hiện cho vay theo quy định tại Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg.
Đồng thời, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ động phối hợp với các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền Luật THAHS 2019, Nghị định số 49/2020/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác về THAHS cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật. Phối hợp với các cơ quan, tố chức, đơn vị có liên quan thực hiện việc quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành án; xây dựng các mô hình, vận động, khuyến khích các tổ chức kinh tế, xã hội và cá nhân hỗ trợ vốn thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo quy định của pháp luật để hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù vay vốn học nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.
Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh và các cơ sở giam giữ phạm nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân nữ, phạm nhân nam trong độ tuổi thanh niên và vị thành niên, động viên, giúp đỡ họ tích cực học tập, cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình và xã hội THNCĐ; huy động các nguồn lực xã hội và chỉ đạo Đoàn - Hội các cấp phối hợp với cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, ổn định cuộc sống THNCĐ.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan có liên quan, UBND cấp xã trong quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án. Tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo THNCĐ; có chính sách phù hợp để khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tạo điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù, học nghề, tìm việc làm, ổn định cuộc sống.
HƯƠNG TRẦN