Một số cán bộ Công ty lâm nghiệp Ea Kar thời điểm bị cơ quan điều tra khởi tố cuối năm 2020. Ảnh: Công an cung cấp.
Các bị can bị truy tố đều là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (Công ty Lâm nghiệp Ea Kar) gồm: Nguyễn Hồng Mạnh (SN 1968, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc); Phan Văn Đức (SN 1974, nguyên Phó Giám đốc); Nguyễn Văn Vũ (SN 1975, Trưởng phòng Kỹ thuật - Quản lý bảo vệ rừng); Phạm Văn Kỳ (SN 1962, Trưởng Phân trường 3); Nguyễn Phước Hưng (SN 1963, Nhân viên Phân trường 3); Đào Thanh Hưởng (SN 1968, Trưởng Phân trường 1); Nguyễn Hữu Thọ (SN 1971, Nhân viên Phân trường 1); Lưu Minh Thanh (SN 1984, Nhân viên Phân trường 1) và Nguyễn Văn Tuân (SN 1986, Nhân viên Phân trường 1).
Theo cáo trạng, vào năm 2008, Công ty lâm nghiệp Ea Kar được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê đất và rừng để sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp. Kết quả kiểm kê năm 2014 thể hiện Công ty Lâm nghiệp Ea Kar được giao quản lý hơn 14.400ha đất rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên gần 7.000ha. Tuy nhiên, từ năm 2015-2019, nhiều lãnh đạo, cán bộ tại Công ty Lâm nghiệp Ea Kar đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm khiến tài nguyên rừng trên lâm phần bị suy giảm, gây thiệt hại hơn 29,4 tỉ đồng.
Cụ thể, vào ngày 18/8/2019, Công an tỉnh Đắk Lắk và Công an huyện Ea Kar bắt quả tang một nhóm đối tượng khai thác trái gỗ trái phép tại xã Cư Yang, huyện Ea Kar, thuộc lâm phần do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý.
Mở rộng điều tra, lực lượng công an phát hiện thêm nhiều vị trí rừng khác tại xã Cư Yang thuộc lâm phần công ty này quản lý đã bị khai thác trái phép, thiệt hại hơn 296 m3 gỗ các loại quy tròn từ nhóm 2 - 8, trị giá trên 1,1 tỉ đồng.
Từ tháng 2-3/2020, công an tiếp tục tiến hành khám nghiệm hiện trường 82 vị trí phá rừng tại các xã Cư Yang, Cư Bông, Cư Elang và Cư Prông (thuộc lâm phần Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý) với tổng diện tích hơn 303ha. Phần lớn diện tích này bị các hộ dân lấn chiếm làm nương rẫy trồng bắp, mì, keo, cây công nghiệp dài ngày.
Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2015-2019, tài nguyên rừng thuộc lâm phần do Công ty lâm nghiệp Ea Kar quản lý đã bị thiệt hại gần 29.000 m3 gỗ, có giá trị hơn 29,4 tỉ đồng, hơn 303 ha rừng tự nhiên bị suy giảm.
Cũng theo nội dung cáo trạng, trong quá trình điều tra của cơ quan chức năng, nhiều hộ dân phá rừng thuộc lâm phần do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý cho biết không bị lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của công ty hay các lực lượng chức năng khác ngăn chặn, nhắc nhở, giải tỏa hay lập biên bản xử lý.
PV(t/h)
Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai phát động phong trào thiện nguyện giúp người khó khăn do Covid-19