Ảnh minh họa.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng, về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng, điểm b, khoản 2, Điều 87 của dự thảo Luật cần bổ sung cụm từ “hoặc cấp tỉnh”, qua đó sửa đổi hoàn chính thành: Trường hợp không liên lạc được và không gửi được thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi, thì thông báo trên một số báo hàng ngày của Trung ương hoặc cấp tỉnh trong 03 số liên tiếp, hoặc phát sóng trên Đài phát thanh, truyền hình của Trung ương hoặc cấp tỉnh trong 03 ngày liên tiếp.
Theo Đại biểu Trần Đình Gia, nếu chỉ quy định thông báo trên báo Trung ương, sẽ rất khó khăn và vướng mắc trong việc giúp người dân tiếp cận thông tin. Đồng thời, Đại biểu cũng đề nghị bỏ quy định tại khoản 5, về nội dung UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành quyết định thu hồi đất trong thời hạn 10 ngày, vì không có tính khả thi, vì giao thời điều chỉnh đơn giá bồi thường tài sản do UBND tỉnh quy định thay đổi đơn giá bồi thường giữa đơn giá sau so với đơn giá trước.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tại khoản 7, Điều 76, dự thảo Luật có quy định, diện tích đất được xác định trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà sau 02 năm liên tục được thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện phải xem xét, đánh giá, điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ này.
Khoản 8 Điều 76 có quy định, hàng năm UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát xử lý và công bô công khai việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hủy bỏ việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
Đại biểu đặt vấn đề, khoản 7 có đề cập đến việc điều chỉnh, hủy bỏ, tuy nhiên, tại khoản 8 chỉ đề cập đến việc hủy bỏ, trường hợp có điều chỉnh, có hủy bỏ thì việc điều chỉnh tại khoản 7 có được hiểu là điều chỉnh về thời gian thu hồi hay không? Nếu sau 02 năm liên tiếp không thực hiện thì việc xử lý sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục nào? Có cần thiết thông qua HĐND tỉnh trước khi UBND công bố việc hủy bỏ hay không? Theo đó, Đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn những nội dung này.
Cùng đóng góp ý kiến tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, về quyền của người sử dụng đất, Điều 26 của dự thảo Luật cần bổ sung một khoản về quyền của người sử dụng đất như sau: người sử dụng đất có quyền sử dụng vùng trời phía trên bề mặt đất, vùng đất bên dưới bề mặt đó một cách hợp lý cho việc sử dụng hợp pháp của mình theo quy định của Chính phủ.
Đại biểu cũng cho rằng, về thu hồi đất (khoản 3, Điều 81) và loại trừ không thu hồi giấy chứng nhận đã cấp (khoản 4, Điều 152), dự thảo Luật còn có những quy định mâu thuẫn, không nhất quán, cụ thể, Điều 81 không loại trừ trường hợp đã thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất. Đại biểu đề nghị cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng quy định này, loại bỏ quy định loại trừ tại khoản 4, Điều 152, chỉ áp dụng điểm d, khoản 2, Điều 152 và khoản 3, Điều 81 để thu hồi giấy chứng nhận, thu hồi đất trong trường hợp cấp, giao đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng.
Tại phiên thảo luận, các Đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến về các vấn đề trọng tâm của dự án Luật như: Phương pháp định giá đất; các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao quyết tâm, tinh thần làm việc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ để chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật. Các đại biểu cũng đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật thống nhất với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Do đây là dự án luật lớn, đồ sộ, phức tạp, nên có ý kiến đại biểu đề nghị cần có Nghị quyết của Quốc hội để hướng dẫn thi hành luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết, các nội dung cần thể hiện trong Nghị quyết để trình Quốc hội. Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, thuê đất, thu hồi đất, đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, định giá đất, quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành cùng nhiều ý kiến xác đáng, cụ thể vào các chương trình, các Chương, Điều, khoản trong luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, ý kiến của các đại biểu đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, sẽ được sớm tổng hợp để phục vụ quá trình tiếp thu, giải trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, khẩn trương tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện và báo cáo Quốc hội vào phiên họp sáng thứ 5, hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.
MINH QUÝ
Hà Nội: Phương án phân luồng giao thông trên đường Âu Cơ từ ngày 15/01