Ảnh minh hoạ.
Theo thông báo do ba nước đồng chủ trì Australia, Nhật Bản và Singapore công bố, các nước đã kết thúc đàm phán ba lĩnh vực lớn gồm: tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số, môi trường kỹ thuật số mở, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khoảng 90 quốc gia, bao gồm cả những thành viên có ảnh hưởng lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, đã tham gia các cuộc đàm phán trên.
Trong số các lĩnh vực nêu trên, những vấn đề như xác thực điện tử và chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử và giao dịch không cần giấy tờ, bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, bảo vệ dữ liệu cá nhân và an ninh mạng đã được giải quyết. Cùng với đó, các nước vẫn đang thảo luận về cách quản lý các dịch vụ viễn thông và thanh toán điện tử, cũng như các quy định về sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) sử dụng công nghệ mã hóa.
Thông báo cho biết thêm rằng mục đích của các nước tham gia là kết thúc những cuộc đàm phán một cách kịp thời trong năm 2024. Các nước tham gia đánh giá đây là một cột mốc quan trọng trong quá trình đàm phán những quy tắc thương mại điện tử toàn cầu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch điện tử, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại kỹ thuật số và thúc đẩy một nền kinh tế kỹ thuật số cởi mở, đáng tin cậy.
Trong tuyên bố cùng ngày 20/12, Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết thỏa thuận về một loạt quy tắc thương mại kỹ thuật số tại WTO sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).
Phía EU cũng mong muốn đạt được kết quả tích cực về các vấn đề còn tồn tại vào đầu năm 2024, bao gồm việc không áp thuế hải quan đối với các giao dịch điện tử và giải quyết những thách thức các nước đang phát triển phải đối mặt khi áp dụng các quy tắc mới.
Trong tuyên bố sau các cuộc đàm phán, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cũng hoan nghênh những tiến bộ đạt được. Bà khẳng định sang năm 2024, Mỹ sẽ tiếp tục hành động để giúp đạt được những quy tắc mang lại lợi ích đáng kể cho người lao động, doanh nghiệp, chính phủ và công chúng, đặc biệt là nhóm MSME và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
PV/TTXVN