LSVNO - Khi đã dấn thân vào nghề, gặp những trường hợp người dân bị oan, ngươi dân có hoàn cảnh khó khăn, là luật sư - chúng ta không thể từ chối. Thậm chí, nhiều khi tác nghiệp, còn phải chịu cảnh cơ cực, hành xác, nhưng khi giúp được chút gì có ích cho những trường hợp khốn khó, lại thấy thanh thản, nhẹ lòng. Vừa qua, tôi nhận tham gia bảo vệ, bào chữa miễn phí cho 3 vụ án tại Bình Thuận và Gia Lai. Tôi xin kể lại câu chuyện này như là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời.
Để tiết kiệm thời gian và chi phí cho ba vụ việc nói trên, 23 giờ, ngày 22/5/2019 tôi ra bến xe đi Phan Thiết để sáng hôm sau (23/5) kịp tham dự buổi lấy lời khai cháu T trong vụ án các cháu bị tên Nguyễn Văn Thừa xâm hại cả một thời gian dài. Ra đến nơi đã 3 giờ sáng, tôi ghé một quán nhỏ ven đường uống ly cà phê cóc và ngồi chờ đến sáng. 8 giờ sáng gặp thân chủ và cả hai cùng nhau đi xe máy về công an phường Mũi Né (cách 20 cây số) để tham dự buổi lấy lời khai do cơ quan điều tra (CQĐT) thực hiện.
Ảnh minh họa.
Tại buổi làm việc, tôi được thông báo sau khi luật sư và các gia đình bị hại kiến nghị, hiện CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Thừa. Tuy nhiên, những điều mà tôi và gia đình cháu bé không an tâm là điều tra viên (ĐTV) phụ trách vụ án lại là một điều tra viên nam chứ không phải là nữ. Bị can có dấu hiệu phạm tội đối với nhiều người, nhiều lần và có hành vi rất nguy hiểm: thò ngón tay vào âm đạo các cháu để móc, ngoáy… tương tự hành vi hiếp dâm nhằm thỏa mãn dục vọng, thú tính, nhưng CQĐT lại cho rằng chỉ thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên không cần bắt tạm giam. Khi tôi đề nghị thay ĐTV nữ thì họ trả lời hiện CQĐT thành phố Phan Thiết không có ĐTV nữ nên không thể thay thế. Tôi tiếp tục phân tích hành vi của bị can và lập tức viết, gửi ngay bản kiến nghị áp dụng biện pháp tạm giam và sau đó cả Kiểm sát viên (KSV), ĐTV xem xong hứa sẽ xem xét. Trong phần lấy lời khai, cháu bé dù không nhớ rõ bao nhiêu lần bị kẻ thủ ác xâm hại nhưng hành vi thì cháu kể rất rõ. Nhìn cháu ngây thơ, hồn nhiên kể, tôi lại quặn lòng! Kết thúc buổi làm việc, ĐTV thông báo ngày 25/5 sẽ tổ chức thực nghiệm và mời luật sư tham gia buổi thực nghiệm điều tra.
Trưa đến, tôi cùng thân chủ về nhà họ ăn vội chén cơm để tiếp tục đón xe lên Gia Lai dự cung trong vụ án "lợi dụng quyền tự do, dân chủ" mà bị can là một phụ nữ nông dân nghèo. Ăn xong, thân chủ chở tôi ra bến xe Phan Thiết giữa cái nắng rát mặt, người nhầy nhụa mồ hôi. Ra tới bến được biết 6 giờ tối mới có xe về Gia Lai, thế là tôi phải đợi cả 5 giờ đồng hồ. Ngồi trong bến xe, mỗ hôi nhễ nhại, quần áo cũng bẩn theo, lại buồn ngủ. Sau đó, tôi cũng tìm được một hàng ghế khuất và ngủ được một giấc bờ bụi đến 5 giờ chiều. Tỉnh dậy thấy người bẩn và khó chịu, tới nhà vệ sinh mua vé vào tắm qua loa rồi ra quán cơm trước cổng ăn một đĩa cơm bình dân. Ăn xong, 6 giờ tối lên xe để tiếp tục hành trình gần 700km lên Gia Lai. Khổ một nỗi, cái miệng tôi nói rất to trước công đường và bàn dân thiên hạ nhưng sức khỏe lại yếu, ngửi mùi xe khách không chịu nổi nên thường xuyên nhức đầu, chóng mặt. Dù vậy tôi cũng phải ráng đi xe khách để đỡ tốn phí.
8 giờ sáng đến bến xe Gia Lai, vội ghé vào quán ăn một tô phở, uống ly cà phê núi rừng Tây nguyên và đợi chồng bị can đến đón vào công an huyện IAGRAI để dự cung. Đây là một trường hợp nhà nghèo, nợ nần chồng chất; người chồng bị truy tố trong một vụ án tai nạn giao thông(TNGT) có dấu hiệu oan sai, người vợ chỉ vì bức xúc nhiều vụ việc chưa được giải quyết đúng pháp luật nên đã khiếu nại, chửi bới, xúc phạm tới lãnh đạo các cấp, các ngành và hiện bị khởi tố, bắt giam; trong lúc đó, con gái lại bị bệnh tật hiểm nghèo không có tiền chạy chữa.
Trong vụ việc này, tôi nhận thấy bị can có tội vì đã lỡ chửi, xúc phạm đến nhiều cơ quan, lãnh đạo nhưng cũng chỉ do bức xúc, căm phẫn từ những bất công, ngang trái trước đó mà gia đình bà phải gánh chịu. Chính vì vậy, sau buổi hỏi cung, tôi đã tâm sự, trao đổi, đề nghị với ĐTV, KSV để mong họ áp dụng chính sách khoan hồng để bà ấy được về sớm với gia đình và xã hội. Sau đó, ĐTV, KSV cũng đã ghi nhận và cũng cho biết sẽ đề nghị xử lý hợp tình, hợp lý. Điều đọng lại sau khi tiếp xúc đó là thái độ thân thiện, cởi mở và cảm thông của ĐTV, KSV nơi đây và tôi cũng tin tưởng vụ việc sắp tới sẽ được giải quyết hợp lý, hợp tình.
Xong buổi dự cung, tôi và chồng bị can (ông Mượt) rủ nhau ra đường ăn vội đĩa cơm bình dân tại thị trấn IAGRAI và sau đó cả hai đi xe máy vào Tòa án huyện Chư Păh cách đó hơn 30km để làm việc với tòa và sao chụp hồ sơ vụ án trong vụ TNGT mà ông chồng này bị truy tố có dấu hiệu oan sai và tòa đã trả hồ sơ điều tra bổ sung 02 lần nhưng CQĐT, VKS vẫn chưa làm rõ. Theo Kết luận điều tra và bản Cáo Trạng nhận định bị hại T đi xe máy bị tuột xích, sau đó dựng xe chiếm hết chiều ngang phần đường xe thô sơ để ngồi phía sau gắn lại xích thì bị ông Mượt đi xe máy cùng chiều tông vào làm ông T văng ra tim đường và bị xe hơi đi cùng chiều tông chết. Điều đáng nói trong vụ án này là tài xế xe hơi có dấu hiệu vượt lấn làn đường đâm bị hại chết nhưng không bị khởi tố, trong lúc đó ông Mượt đi xe máy va chạm với xe và người bị hại chắn ngang đường lại bị khởi tố. Bên cạnh đó, phía CQĐT, VKS lại nhận định nạn nhân dựng xe ngang làn đường xe thô sơ để sửa, ông Mượt tông nạn nhân văng ra giữa tim đường có dấu hiệu thiếu chính xác, thiếu khoa học cùng một loạt các tình tiết chưa được làm rõ.
Đến nơi, tôi gặp vị thẩm phán phụ trách vụ việc trạc hơn 40 tuổi với thái độ tiếp đón niềm nở. Điều làm tôi kính phục ở vị thẩm phán này là thái độ hiếu khách, thiện chí trao đổi về nội dung vụ việc chứ không như nhiều thẩm phán khác trên đất nước chúng ta. Dù khoảng thời gian chỉ gần 1 giờ đồng hồ nhưng cả hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề cốt lõi của vụ án và tôi cũng phần nào an lòng, tin tưởng ở chặng đường đấu lý quyết liệt tiếp theo với phía buộc tội.Tiếp đó, tôi được tạo điều kiện sao chụp ngay toàn bộ hồ sơ và sau đó cám ơn vị thẩm phán rồi cùng thân chủ ra về.
Ra khỏi tòa lúc đó gần 4 giờ chiều, tôi cùng thân chủ ra quán nước để bàn bạc một số vấn đề và sau đó thân chủ chở tôi ra QL14 để đón xe về lại Phan Thiết kịp dự buổi thực nghiệm điều tra ngày 25/5 như đã nêu. 5 giờ chiều lên xe tiếp tục hành trình về Phan Thiết. 7 giờ tối xe ghé quán cơm bình dân ven đường. Dù mệt rã người, chưa được tắm nhưng cũng ráng ăn đĩa cơm bình dân rồi lên xe dật dờ theo giấc ngủ cho tới 5 giờ sáng thì tới nơi.
Xuống xe, tôi gọi một anh bạn đồng nghiệp chở đi ăn sáng và uống ly cà phê. Tôi kể cho bạn nghe về chuyến hành trình đến nay đã 03 ngày làm việc và 03 đêm ngủ trên xe khách cũng đỡ tốn được mớ tiền nhà nghỉ. Nghe vậy ông bạn cũng ngán luôn.
Cà phê xong, bạn chở tôi đến CQĐT TP. Phan Thiết để tiếp tục một ngày làm vi mới. Chia tay bạn giữa ánh nắng ban mai của một vùng biển đẹp, tôi chỉ mong đêm nay được về nhà với con và được ôm gối ngủ bù sau những ngày vất vưởng đầu đường, xó chợ... Đến giờ vẫn chưa được tắm! Cũng may, tại buổi tham dự thủ tục thực nghiệm điều tra tôi được ĐTV thông báo hiện đã bắt bị can để tạm giam. Làm việc xong, tôi tiếp tục đón xe khách về đến nhà lúc 10 giờ đêm. Một chuyến hành trình 03 ngày, 04 đêm; ngày làm việc, đêm ngủ trên xe và không tốn tiền nhà nghỉ thật đáng sợ và đáng nhớ!
Tôi tin rằng trong quá trình hành nghề sẽ có nhiều luật sư đồng nghiệp trải qua những ngày đêm như tôi, có thể mọi người không biết vì họ âm thầm tận tụy tác nghiệp với cả một tấm lòng và lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Tôi kể lại chuyện này không phải để PR bản thân mình mà muốn mọi người chia sẻ, đồng cảm với chúng tôi để bớt đi quan niệm như của ai đó đã từng nói “Nghề luật sư Việt Nam chỉ vì tiền”. Vì những người nghèo khổ, oan sai trong xã hội ta bây giờ nhiều lắm.
Luật sư Nguyễn Duy Bình
(Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh)