/ Hoạt động Luật sư
/ Đảng bộ Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tổ chức học chuyên đề tháng 8/2022

Đảng bộ Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tổ chức học chuyên đề tháng 8/2022

17/08/2022 03:13 |

(LSVN) - Ngày 14/8/2022, Đảng bộ Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã tổ chức chương trình học chuyên đề "Vai trò của đối ngoại nhân dân".

Tham dự buổi học có sự tham gia của Luật sư Lê Đức Bính, Bí thư Đảng ủy; Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội; cùng sự tham gia của đại diện Ban Chủ nhiệm, đại diện Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các Bí thư, Phó Bí Thư, Chi ủy Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Đoàn Luật sư.

Ông Đồng Huy Cương, Trưởng ban Ban Công tác đa phương Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là Báo cáo viên hội nghị.

Chủ tịch Hồ Chí đã từng nói: “Cách mạng Việt Nam trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần vai trò đóng góp của đối ngoại nhân dân”, Người chính là người đặt nền móng cho công tác đối ngoại nhân dân ở nước ta. Tầm quan trọng, vai trò và nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân đã được Đảng ta chính thức đưa vào các văn kiện Đại hội Đảng từ rất sớm. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ II (tháng 02/1951) về chính sách ngoại giao đã nhấn mạnh phát triển ngoại giao nhân dân rộng rãi, thắt chặt liên hệ tổ chức các hoạt động giữa những đoàn thể nhân dân Việt Nam với các đoàn thể nhân dân thế giới. Văn kiện Đại hội VI của Đảng (năm 1986) làm rõ chủ thể và sự phối hợp giữa các chủ thể của hoạt động đối ngoại, gồm Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Các Văn kiện các Đại hội của Đảng về sau đều có các nội dung yêu cầu tập trung mở rộng hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân, phối hợp chặt chẽ hoạt động ngoại giao của Nhà nước, hoạt động đối ngoại của Đảng và hoạt động đối ngoại nhân dân. Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20/9/1994, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII là văn bản đầu tiên của Đảng dành riêng cho hoạt động đối ngoại nhân dân với tinh thần “mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân”.

Văn kiện xác định rõ đối ngoại nhân dân là bộ phận quan trọng cấu thành công tác đối ngoại chung cả nước. Văn kiện cũng nêu rõ yêu cầu, mục tiêu và biện pháp, phương hướng để tiến hành công tác đối ngoại nhân dân. Sau khi tổng kết Chỉ thị số 44-CT/TW, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 06/7/2011, tiếp tục khẳng định quan điểm đối ngoại nhân dân là bộ phận cấu thành của công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước ta. Chỉ thị tiếp tục tập trung mục tiêu đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, kinh tế xã hội ngày phát triển tạo ra nhiều lợi thế cho công tác đối ngoại dân nhân. Chính vì lẽ đó, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh vai trò tiên phong của đối ngoại, cũng như vị trí quan trọng của đối ngoại nhân dân. Đối ngoại nhân dân phải đảm nhiệm tốt vai trò “trụ cột”, cùng đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, đóng góp thiết thực vào việc nâng cao hơn nữa vị thế và uy tín của đất nước, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Kết thúc buổi học, các đảng viên đã nắm bắt được vai trò quan trọng của đối ngoại nhân dân bối cảnh hiện nay. Đối ngoại nhân dân không phải là nhiệm riêng của Đảng, nhà nước mà cần sự phối hợp của bộ máy nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và mọi cá nhân. Phát triển đối ngoại nhân dân chính là hoạt động tăng cường đoàn kết dân tộc, bảo vệ lợi ích quốc gia.

Thạc sĩ, Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO

Kết quả kiểm tra Kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư đợt 1/2022

Admin