/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Đánh chiếm Đài Phát thanh ngụy quyền Sài Gòn

Đánh chiếm Đài Phát thanh ngụy quyền Sài Gòn

29/04/2022 10:31 |

(LSVN) – Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc đã 47 năm nhưng hàng năm cứ đến dịp Kỷ niệm chiến thắng 30/4, mỗi cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 ai cũng bồi hồi, xúc động nhớ về trận đánh cuối cùng chiếm Đài Phát thanh ngụy quyền Sài Gòn trưa 30/4/1975.

  Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các đọc lời tuyên bố đầu hàng tại Đài Phát thanh ngụy quyền Sài Gòn (Ảnh tư liệu). 

Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình, nguyên Phó Chỉnh ủy Quân khu 4, người trực tiếp chỉ huy trận đánh có nghĩa lịch sử kể lại, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn 8 do ông làm chính trị viên, đồng chí Trương Quang Siều làm Tiểu đoàn trưởng, được giao nhiệm vụ đánh chiếm Đài Phát thanh ngụy quyền Sài Gòn. Ngoài ra, Tiểu đoàn còn được giao nhiệm vụ đánh chiếm Cục An ninh quân đội ngụy ở số 8 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (đối diện Đài Phát thanh).

Đây là một vinh dự lớn, niềm tự hào của Tiểu đoàn bởi trong chiến dịch Hồ Chí Minh tấn công giải phóng Sài Gòn có 5 mục tiêu vô cùng quan trọng ta phải đánh chiếm bằng được, đó là: Dinh Độc Lập, Tổng nha cảnh sát, Đài Phát thanh, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô.

Sau khi nhận nhiệm vụ, Tiểu đoàn 8 cùng với Lữ đoàn tăng, thiết giáp 203 đi đầu đội hình. Ban chỉ huy Tiểu đoàn giao cho Đại đội 6 đi cùng xe tăng chiếm Dinh Độc Lập, Đại đội 5 đánh chiếm Đài Phát thanh, lực lượng còn lại đánh chiếm Cục An ninh quân đội ngụy. Đêm ngày 29/4/1975, Tiểu đoàn được Trung đoàn phổ biến kế hoạch hiệp đồng lần cuối. Tiểu đoàn triệu tập các đại đội trưởng, chính viên và các đồng chí chỉ huy phân đội để giao nhiệm vụ bổ sung, động viên anh em trước khi xuất phát. Chỉnh ủy Trung đoàn Lê Xuân Lộc xuống động viên Tiểu đoàn: “Trung đoàn tin tưởng giao cho Tiểu đoàn 8 đánh chiếm 2 mục tiêu quan trọng là do Tiểu đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tấn công tiêu diệt địch ở Chi khu quận lỵ Thượng Đức (Quảng Đà) dẫn đầu đội hình Sư đoàn tấn công thần tốc giải phóng Đà Nẵng”.

Khoảng nửa đêm ngày 29/4, Tiểu đoàn bắt đầu vượt sông Buông tiến ra xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn. Gần sáng ngày 30/4, Tiểu đoàn cùng xe tăng đánh tan quân địch chống cự trên cầu xa lộ, hành quân cấp tốc thẳng hướng Sài Gòn. Khi đội hình đến cách cầu Sài Gòn 500m thì Trung đoàn trưởng Nguyễn Sơn Văn ra lệnh cho Tiểu đoàn triển khai đội hình chiến đấu. Cuộc chiến đấu giành giật cầu Sài Gòn diễn ra vô cùng ác liệt, quân ta bị bắn cháy 2 xe tăng. Tiểu đoàn 8 hy sinh và bị thương  gần 10 người. Được Tiểu đoàn 7 chi viện sau hơn 30 phút chiến đấu, quân ta mới làm chủ cầu Sài Gòn, quân địch vứt súng đạn, quân tư trang ngổn ngang tháo chạy. Vào lúc 9h30, Tiểu đoàn cùng xe tăng tiến về Dinh Độc Lập và Đài Phát thanh. Đến cầu Thị Nghè gặp địch chặn đánh, Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 7 triển khai đội hình chiến đấu. Quân địch chống cự không nổi, bị đánh tan tác.   

Vượt qua cầu Thị Nghè, Đại đội 6 cùng xe tăng Lữ đoàn 203 tiến vào Dinh Độc Lập. Còn Tiểu đoàn 8 nhờ dân chỉ đường tiến theo đường Nguyễn Bỉnh Khiêm vào đánh chiếm Đài Phát thanh. Đúng 10h30, Đại đội 5 đánh chiếm toàn bộ Đài Phát thanh. Trung đội trưởng Trung đội 1 nhanh chóng hạ cờ ba que xuống, kéo cờ giải phóng lên. Đó là giờ phút thiêng liêng nhất của cán bộ, chiến sĩ có mặt ở Đài Phát thanh. Khi Đại đội 5 đánh chiếm Đài Phát thanh, tất cả nhân viên đều bỏ chạy hết, nhưng buồng máy vẫn hoạt động.

Cùng thời gian Đại đội 5 đánh chiếm Đài Phát thanh, Đại đội 7 đánh chiếm Cục An ninh quân đội, nhanh chóng triển khai đội hình chốt giữ các điểm quan trọng trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có một tốp địch không chịu đầu hàng, ngoan cố chống cự, Đại đội 7 một chiến sĩ trúng đạn hy sinh. Đây là chiến sĩ cuối cùng của Tiểu đoàn hy sinh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Khoảng 11h, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ đi xe Jeep do chiến sĩ Đào Ngọc Vân lái đến Đài Phát thanh. Tiểu đoàn 8 ra đón và báo cáo đã hoàn thành nhiệm vụ chiếm và giữ Đài Phát thanh an toàn, nhưng chưa tìm được nhân viên. Sau đó, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ đưa Dương Văn Minh và Vũ Ngọc Mẫu sang tuyên bố đầu hàng.

Lúc đó, mọi người mới biết người ngồi trước ghế xe ô tô là Tổng thống Dương Văn Minh, người ngồi sau với anh em trợ lý Trung đoàn 66 là Thủ tướng ngụy quyền Vũ Ngọc Mẫu.

Trong lúc chờ tìm nhân viên Đài Phát thanh, đồng chí Phạm Xuân Thệ cùng các trợ lý Phùng Bá Đam, Đinh Thái Quang, Nguyễn Văn Nhu thống nhất nội dung thảo lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện cho Tổng thống Dương Văn Minh. Sau đó, trợ lý Đinh Thái Quang mở máy ghi âm để ghi lời tuyên bố đầu hàng nhưng máy không ghi được. Trong lúc đang sửa máy, có một nhà báo nước ngoài đề nghị được dùng máy ghi âm của ông và được chấp nhận ngay. Ông mở máy ghi toàn bộ lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh: “Tôi Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn xin tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam...”.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đến 22h, Tiểu đoàn được lệnh bàn giao Đài Phát thanh cho Sư đoàn 7 bộ đội Miền bảo vệ.

Ngồi kể cho chúng tôi nghe nhưng đôi mắt Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình đượm buồn, sâu thẳm. Có lẽ, ông đang thương nhớ vô cùng cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống để cho đất nước có ngày vui toàn thắng. Trước lúc chia tay, đôi mắt ông đỏ hoe, bồi hồi nói với chúng tôi: “Chúng ta phải phấn đấu hơn nữa mới xứng đáng với đồng đội đã hy sinh”. 

HẢI HƯNG

Thừa Thiên - Huế: Nhiều hoạt động đặc sắc trong ‘Ngày hội vùng cao A lưới’ dịp 30/4

Admin