Ảnh minh họa.
Ngày 14/11, tại phiên họp giữa hai Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện đã triển khai việc thu lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng đối với tên miền ".vn", địa chỉ Internet.
Luật Phí và lệ phí chưa quy định về lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng vì từ trước đến nay, tổ chức quản lý địa chỉ Internet/số hiệu mạng khu vực Châu Á - Thái bình Dương (APNIC) không thực hiện việc thu phí số hiệu mạng.
Tuy nhiên, APNIC vừa thông báo kế hoạch điều chỉnh các khoản thu đối với tài nguyên Internet (trao đổi định hướng tại kỳ họp APNIC 56 và công bố trên website), theo đó, sẽ thực hiện thu phí số hiệu mạng từ ngày 01/01/2025.
Chính sách của APNIC sẽ miễn phí đối với 02 số hiệu mạng đầu tiên, từ số hiệu mạng thứ 3 trở đi sẽ phải đóng phí đăng ký 500 đôla Úc/01 số hiệu mạng và phí duy trì là 100 đôla Úc/một năm.
Qua rà soát, cho thấy tính đến tháng 10/2023, trong số 614 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký sử dụng số hiệu mạng, chỉ có 04 doanh nghiệp thuộc đối tượng phải nộp phí sử dụng số hiệu mạng theo chính sách mới của APNIC.
Do đó, việc bổ sung quy định thu phí, lệ phí số hiệu mạng sẽ tạo cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của tổ chức quốc tế nhằm đảm bảo duy trì hoạt động mạng, dịch vụ Internet.
Điều hành nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các Đại biểu thảo luận thêm chính sách mới về phí, lệ phí cho số hiệu mạng. Qua báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, phí này do Tổ chức Châu Á - Thái Bình Dương liên quan đến Internet dự kiến thực hiện từ 01/01/2025.
Trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua chính sách này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu báo cáo làm rõ thêm: Việc xác định thu phí việc sử dụng số hiệu mạng của Tổ chức quản lý địa chỉ Internet số liệu mạng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APNIC) thực hiện như thế nào? Có thông qua cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam hay không?
Bên cạnh đó, dự thảo Luật lần này quy định thời hạn có hiệu lực của luật này cũng từ 01/01/2025, tất cả các tổ chức, cá nhân được phân bổ kho số viễn thông Internet là đối tượng có trách nhiệm nộp phí duy trì số hiệu mạng theo Điều 50 của dự thảo Luật này.
Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội băn khoăn đối tượng nộp phí, miễn giảm phí, mức phí… có cần quy định cụ thể trong dự án luật này hay không? Hoặc ai quy định, có bổ sung nội dung này vào chính sách mới hay không? Đánh giá như vậy đã đầy đủ hay chưa?
Ngoài ra, nếu đồng ý bổ sung thêm chính sách này thì các vấn đề cụ thể như đối tượng nộp phí, nguyên tắc miễn giảm mức phí… quy định ở đâu?
Trước câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rằng “ai sẽ hướng dẫn, ai quy định và ai thu phí, lệ phí này”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Luật Phí và lệ phí quy định giao Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay khoản này nếu không được quy định trong Luật Phí và lệ phí sẽ không thu được, dù là thực hiện thu hộ cho tổ chức quốc tế.
Trao đổi lại về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ khoản phí, lệ phí trên thu nộp ngân sách Nhà nước hay thu hộ? Bởi thu nộp ngân sách mới cần sửa Luật Phí và lệ phí để điều chỉnh danh mục. Nếu không chỉ cần quy định ngay trong Luật Viễn thông.
Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát để đảm bảo tương thích giữa Luật Viễn thông, Luật Phí và lệ phí, Luật Quản lý thuế để nghiên cứu quy định trong luật nào phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý nếu thu hộ nên để Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, đồng thời cần nghiên cứu để không xung đột giữa các luật.
QUÝ NGUYỄN
Hà Nội trả lời việc hệ thống thoát nước xuống cấp, ngập úng xảy ra ở nhiều nơi