Toàn quyền Sandra Mason tuyên bố Barbados sẽ trở thành nước cộng hòa vào ngày 30/11/2021, đồng nghĩa từ bỏ thể chế quân chủ lập hiến trong Khối Thịnh vượng chung hiện tại.
Trong phiên khai mạc kỳ họp mới của Nghị viện Barbados, Toàn quyền Sandra Mason của đảo quốc Caribe tuyên bố Barbados sẽ trở thành nước cộng hòa vào ngày 30/11/2021, đồng nghĩa từ bỏ thể chế quân chủ lập hiến trong Khối Thịnh vượng chung hiện tại, với Nữ hoàng Anh Elizabeth II là nguyên thủ chính thức.
Bà Mason cho biết chính quyền của nữ Thủ tướng Mia Mottley sẽ “tiến hành bước đi hợp lý tiếp theo” để đưa Barbados trở thành một nền cộng hòa đầy đủ, đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm đảo quốc Caribe giành độc lập.
Nhà lãnh đạo Barbados nhấn mạnh “đã tới thời điểm chúng ta bỏ lại hoàn toàn quá khứ thuộc địa. Người dân Barbados muốn có một nguyên thủ là người Barbados; đây là tuyên bố tối thượng về niềm tin rằng chúng ta là ai và chúng ta có thể làm được gì”.
Barbados giành độc lập từ Anh năm 1966, nhưng vẫn tiếp tục công nhận Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ. Vào thập kỷ 1970 đã xuất hiện ý tưởng về nước Cộng hòa Barbados, theo đó một ủy ban nghiên cứu khả năng này được thành lập, nhưng sau đó ủy ban đưa ra kết luận không nên tiến hành điều chỉnh.
Năm 1996, sáng kiến rà soát lại Hiến pháp, bao gồm việc tiến tới thể chế cộng hòa, đã được thông qua và chính quyền Barbados quyết định sẽ thực hiện một cuộc trưng cầu ý dân về việc thay đổi thể chế. Tuy nhiên quyết định thay đổi thế chế đã không có được sự phê chuẩn cần thiết của Nghị viện, bởi cơ quan lập pháp này bị giải tán ngay trước khi đưa ra quyết định.
Năm 1998, Ủy ban Rà soát Hiến pháp của Barbados đưa ra khuyến nghị chuyển đổi sang thể chế cộng hòa. Năm 2015, Thủ tướng Freundel Stuart khẳng định đảo quốc Caribe “cần phải chuyển đổi từ hệ thống quân chủ sang một hình thức chính phủ cộng hòa trong một tương lai rất gần”.
Barbados nằm trong Cộng đồng Caribe (Caricom), khối liên kết khu vực gồm 15 quốc gia Caribe, chủ yếu là các nước nói tiếng Anh và vẫn giữ thể chế quân chủ lập hiến trong Khối Thịnh vượng chung của Anh sau khi giành được độc lập. Trong số các thuộc địa cũ của Anh tại khu vực, tới nay mới có Trinidad và Tobago cùng Guyana đã chấm dứt quan hệ phụ thuộc vào Anh.
Đảo quốc có tên trên bản đồ hơn 500 năm. Năm 1518, người Tây Ban Nha tìm ra hòn đảo rộng 432 km2 này. Người Anh khai khẩn và định cư tại Barbados vào khoảng đầu thế kỷ 17. Nô lệ da đen được đưa vào để canh tác các đồn điền mía, nhờ đó đến thế kỷ 18 hòn đảo trở thành một trong những vùng mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho Đế quốc Anh. Chế độ nô lệ bị thủ tiêu năm 1834, song quyền lực kinh tế và chính trị vẫn nằm trong tay thiểu số người da trắng. Trong những năm 30 của thế kỷ 20, người Barbados da đen phải chịu các điều kiện kinh tế chính trị tồi tệ. Các cuộc nổi dậy trong năm 1937, đã dẫn đến cải cách và nâng cao ý thức chính trị của người da đen và đã xuất hiện những nhà lãnh đạo chính trị đóng vai trò quan trọng trong Đảo quốc và cả vùng Caribe. Barbados tự trị năm 1961 và độc lập vào năm 1966.
LÊ HÙNG(t/h)