Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, hiện nay việc đấu giá biển số xe ô tô vẫn ở diện hẹp, đó là chỉ áp dụng đối với biển số xe ô tô cá nhân, chưa áp dụng rộng rãi đối với các loại biển số xe ô tô khác (như ô tô vận tải, ô tô khách và ô tô đầu kéo...) và biển số mô tô, xe gắn máy nên chưa đáp ứng hết được nguyện vọng của đông đảo người dân, nhất là các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sở hữu biển số xe theo sở thích. Do đó, chưa khai thác hết giá trị tiềm năng của kho biển số đẹp, gây lãng phí tài sản công.
Chính vì vậy, Điều 37 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (dự thảo Luật) đã quy định cụ thể việc đấu giá biển số xe như sau: "1. Biển số xe đưa ra đấu giá là số biển số xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy được quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 36 Luật này. 2. Giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá không thấp hơn 40 triệu; giá khởi điểm một biển số xe mô tô, xe gắn máy đưa ra đấu giá không thấp hơn 05 triệu. Căn cứ điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định cụ thể giá khởi điểm của loại biển số xe đưa ra đấu giá…".
Nếu dự thảo Luật được Quốc hội thông qua, thì việc đấu giá biển số xe sẽ góp phần tăng thu ngân sách, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức có cơ hội được sở hữu biển số xe đẹp để phục vụ nhu cầu tinh thần của bản thân và gia đình như: muốn sở hữu biển số trùng với ngày sinh, ngày cưới của mình hoặc ngày sinh của bố mẹ hoặc hợp phong thủy để kinh doanh hoặc tặng cho xe gắn với biển số xe đẹp đã trúng đấu giá,…
Luật hóa việc bán đấu giá biển số xe là cần thiết, phù hợp với xu thế và đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người dân; đồng thời, nâng cao hiệu quả việc khai thác tài sản công, đem lại nguồn thu cho ngân sách để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là ưu tiên nguồn kinh phí này để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, luật hóa việc bán đấu giá biển số xe là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức và người dân tuân thủ và triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.
Để việc bán đấu giá biển số xe hiệu quả cần phải khắc phục tình trạng người tham gia đấu giá biển số xe lên cao ngất ngưởng sau đó bỏ không nộp tiền trúng đấu giá như: bổ sung chế tài xử phạt theo tỉ lệ phần trăm của số tiền trúng đấu giá, ví dụ: người trả giá biển số xe là 01 tỉ đồng và trúng đấu giá nhưng sau đó không nộp tiền trúng đấu giá thì ngoài việc bị mất số tiền đặt trước còn phải bị phạt 10 % số tiền đã trả giá của 01 tỉ đồng là 100 triệu đồng; đồng thời, khắc phục tình trạng thông đồng, dìm giá và mua bán kết quả đấu giá biển số xe; mở rộng tối đa quyền về biển số xe đối với người trúng đấu giá; tạo ra một cơ chế rõ ràng, công khai, minh bạch và chặt chẽ để ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong hoạt động bán đấu giá biển số xe...
Bên cạnh đó, dự thảo Luật chỉ nên quy định về loại biển đưa ra đấu giá, giá khởi điểm, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, việc đăng ký xe, biển số xe trúng đấu giá;… Còn tiền đặt trước, hình thức đấu giá (không nhất thiết phải chọn một hình thức đấu giá trực tuyến như dự thảo Luật), trình tự, thủ tục đấu giá đề nghị thực hiện thống nhất theo Luật Đấu giá tài sản để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật. Ngoài ra, cần nghiên cứu, quy định các mức giá khởi điểm của từng loại biển số khác nhau, hạn chế tình trạng cào bằng như hiện nay. Ví dụ: biển số xe máy A là biển số đẹp, rất đông người dân muốn sở hữu, do đó, giá khởi điểm của loại biển số xe này cũng phải quy định cao hơn so các loại biển số khác. Việc này sẽ khai thác tối đa giá trị thực của một biển số đẹp, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách.
Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Ý nghĩa quy định cấm 'phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai