Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2016 gồm 8 chương, 81 điều. Đây được xem là hành lang pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả, minh bạch và hạn chế những tiêu cực trong đấu giá tài sản. Tuy nhiên, sau nhiều năm chính thức có hiệu lực, hoạt động đấu giá tài sản vẫn tồn tại nhiều bất cập, gây nguy cơ nảy sinh những tiêu cực như tình trạng dàn xếp giá nhằm trục lợi, gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Tự ý truất quyền của đơn vị tham gia đấu giá?
Công ty Đấu giá hợp danh Lào Cai (Công ty đấu giá Lào Cai, địa chỉ tại số 11 Nghĩa Đô, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) đã tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án bao gồm toàn bộ các hạng mục công trình của Trạm nghiền Clinker sản xuất xi măng công suất 100.000 tấn/năm (nhà văn phòng, nhà thí nghiệm,…). Các tài sản này nằm trên thửa đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mang tên Công ty Cổ phần xi măng Hoàng Liên Sơn (tổ 29, phường Lào Cai), chủ tài sản là Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Lào Cai.
Thời gian tổ chức đấu giá lúc 08h30’ ngày 02/4/2021 tại số 11 Nghĩa Đô, phường Cốc Lếu, quy chế đấu giá được ban hành ngày 16/3/2021.
Theo đó, thời gian niêm yết, bán hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ từ ngày 16/3/2021 đến ngày 30/3/2021; thời gian đăng thông báo đấu giá trên truyền hình Lào Cai lần 1 ngày 16/3, lần 2 ngày 19/3, tại trang dauthau.info lần 1 ngày 17/3, lần 2 ngày 19/3; tiền đặt trước theo quy định là 920 triệu đồng, thời gian nộp từ 30/3/2021 đến ngày 01/4/2021, tài khoản nộp tiền số 1013569999 ngân hàng Vietcombank Lào Cai, chủ tài khoản Công ty Đấu giá hợp danh Lào Cai; giá khởi điểm tài sản đấu giá 4,604 tỉ đồng. Đấu giá trực tiếp bằng lời nói theo phương thức trả giá lên.
Tuy nhiên, theo nội dung đơn thư tố cáo của chị Nguyễn Thị Hồng Vân, đại diện khách hàng tham gia đấu giá của Công ty TNHH Trọng Hiếu Phú Thọ (Công ty Trọng Hiếu), tố cáo Công ty Đấu giá Lào Cai đã hạn chế quyền tham gia đấu giá của Công ty Trọng Hiếu, có dấu hiệu không đúng quy định pháp luật, nếu được tham gia đấu giá Công ty Trọng Hiếu cam kết sẽ mua tài sản này với giá trả là 8 tỉ đồng, cao hơn khoảng 3,4 tỉ đồng so với giá trị đã trúng đấu giá.
Giấy xác nhận về việc khách hàng không đủ điều kiện tham gia đấu giá với lý do không có giấy nộp tiền bản gốc, trong khi công ty Đấu giá đã xác nhận tiền đặt trước đã được chuyển vào tài khoản theo quy định.
Theo nội dung đơn tố cáo, Công ty Trọng Hiếu đã mua hồ sơ và hoàn thành nộp hồ sơ đấu giá ngày 30/3, đồng thời thực hiện hiện chuyển tiền đặt trước 920 triệu đồng vào tài khoản của Công ty đấu giá Lào Cai, trong uỷ nhiệm chi số 0193 ngày 30/3/2021 tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hùng Vương Phú Thọ, với nội dung: “Công ty TNHH Trọng Hiếu Phú Thọ nộp tiền đặt trước tham gia đấu giá tài sản Thi hành án của Công ty Cổ phần xi măng Hoàng Liên Sơn”. Đến 08h30’ ngày 02/4, Công ty Trọng Hiếu đến tham gia đấu giá, qua kiểm tra điều kiện để khách hàng được vào tham gia đấu giá, ngoài các giấy tờ đã đủ theo quy định, Công ty Trọng Hiếu chỉ có bản ủy nhiệm chi điện tử.
Quy chế tham gia đấu giá thể hiện rõ khi tham gia đấu giá phải có Giấy ủy quyền đối với người được ủy quyền tham gia đấu giá.
Đấu giá viên Phan Tiến Hải - Công ty Đấu giá Lào Cai đã lập giấy xác nhận vào hồi 09h ngày 02/4 về việc khách hàng Công ty Trọng Hiếu không đủ điều kiện tham gia đấu giá, với lý do đã vi phạm vào khoản 2 Điều 9 Quy chế đấu giá “Lưu ý về hồ sơ tham gia đấu giá” có nêu chứng từ nộp tiền đặt trước khách hàng nộp bản chính cho Đấu giá viên tại buổi đấu giá để điểm danh…, đồng thời Công ty Đấu giá Lào Cai cũng đã xác nhận rõ số tiền của Công ty Trọng Hiếu đã chuyển đến tài khoản Công ty đấu giá Lào Cai là 920 triệu đồng trong nội dung giấy xác nhận.
Có thể thấy, Công ty đấu giá Lào Cai đã xác nhận đúng thời gian, đủ số tiền đặt trước theo quy định của Công ty Trọng Hiếu, đã được chuyển vào tài khoản của Công ty Đấu giá Lào Cai, còn việc có giấy chuyển tiền bản gốc hay bản điện tử chỉ là mục đích cho điểm danh có mặt tham gia đấu giá. Thế nhưng, Công ty Đấu giá Lào Cai lại tự ý truất quyền tham gia đấu giá của Công ty Trọng Hiếu mà không đưa ra một lý do thỏa đáng.
Mặt khác, Công ty Đấu giá hợp danh Lào Cai tổ chức ban hành Quy chế đấu giá và bán hồ sơ, niêm yết cùng ngày 16/3/2021 có dấu hiệu vi phạm luật.
Biên bản đấu giá ghi nhận ba Công ty chỉ có giấy giới thiệu vẫn được tham gia đấu giá.
Ngoài ra, căn cứ vào Biên bản đấu giá tài sản do Công ty Đấu giá Lào Cai lập hồi 08h30’ ngày 02/4/2021 đã được thông qua và ký xác nhận bởi các công ty tham gia đấu giá, đấu giá viên, đại diện Chi cục THADS thành phố Lào Cai, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Lào Cai, đại diện UBND thành phố Lào Cai, nội dung gồm có 6 công ty được vào tham gia đấu giá, trong đó 3 công ty không có giấy uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật của công ty cho người trực tiếp tham gia đấu giá theo quy định. Đặc biệt, 1 trong 3 công ty này đã trúng đấu giá làm dư luận tỏ ra hoài nghi về tính minh bạch trong việc tổ chức đấu giá tài sản của Công ty Đấu giá Lào Cai.
Dấu hiệu vi phạm pháp luật
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hoà cho biết, việc ban hành quy chế đấu giá của Công ty Đấu giá Lào Cai đối với phiên đấu giá tài sản là thi hành án bao gồm toàn bộ các hạng mục công trình của Trạm nghiền Clinker sản xuất xi măng công suất 100.000 tấn/năm (nhà văn phòng, nhà thí nghiệm,…), có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hoà.
Thứ nhất, công ty Đấu giá Lào Cai đã ban hành quy chế đấu giá cùng thời điểm với niêm yết, bán hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ trái với quy định.
Tại khoản 1 Điều 34 Luật Đấu giá tài sản quy định “Tổ chức đấu giá ban hành Quy chế đấu giá áp dụng cho từng cuộc đấu giá trước ngày niêm yết việc đấu giá tài sản".
Khoản 2 Điều 38 quy định “Tổ chức đấu giá bán và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 2 ngày”.
Thứ hai, thủ tục tiến hành phiên đấu giá trái quy định của pháp luật. Tại Điều 38 Luật Đấu giá tài sản quy định, cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá thông qua việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá hợp lệ và tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khi tham gia đấu giá thì người tham gia đấu giá phải đáp ứng điều kiện đó. Người tham gia đấu giá có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mặt mình tham gia đấu giá.
Với vụ việc này, người tham gia đấu giá là các tổ chức, doanh nghiệp cụ thể. Trong cuộc đấu giá thì có 3 đơn vị trong số các đơn vị tham gia: Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Mạnh Tiến, HTX xây dựng tổng hợp Trực Bình, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Miền Bắc, không có giấy ủy quyền mà thay vào đó là giấy giới thiệu.
Giấy giới thiệu và giấy ủy quyền hay hợp đồng ủy quyền hoàn toàn có tính chất pháp lý hoàn toàn khác nhau.
Trong Luật Đấu giá quy định, người tham gia đấu giá có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mặt mình tham gia. Do đó, việc ủy quyền này phải được thực hiện bằng giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền. Giấy giới thiệu sẽ không hợp lệ trong trường hợp này. Vì thế, có thể nhận định rằng, tư cách tham gia của 3 vị nêu trên là không hợp lệ.
Thứ ba, Công ty đấu giá Lào Cai có dấu hiệu vi phạm các quy định cấm của Luật Đấu giá. Tại Điều 9 Luật Đấu giá tài sản quy định rõ: Nghiêm cấm đấu giá viên có hành vi hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không đúng quy định của pháp luật; Nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản có hành vi cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá.
Khoản 3 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản quy định: “ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá được quy định tại luật này và pháp luật có liên quan, thì tổ chức đấu giá không được đặt thêm yêu cầu điều kiện đối với người tham gia đấu giá…".
Về vấn đề tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, Điều 39 Luật Đấu giá tài sản quy định: “Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là năm phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới năm triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá tài sản. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng”.
Như vậy, việc yêu cầu phải là giấy chuyển tiền gốc và không chấp nhận ủy nhiệm chi điện tử là đang gây khó khăn, cản trở cho người tham gia đấu giá.
Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, có hiệu lực từ ngày 01/9/2020.
Trong đó, Điều 22 của Nghị định này quy định xử phạt từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng với vi phạm của đấu giá viên khi thực hiện các hành vi: Không dừng cuộc đấu giá khi có đề nghị của người có tài sản về việc người tham gia đấu giá có hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá; đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; hạn chế người tham gia đấu giá trong quá trình tham gia đấu giá.
Biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: Hủy kết quả đấu giá tài sản nếu tài sản đấu giá là tài sản công đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm e và g khoản 3 Điều này trong trường hợp làm sai lệch kết quả đấu giá; các điểm b và c khoản 5; điểm a khoản 7 Điều này trong trường hợp người tham gia đấu giá trong danh sách khống, hồ sơ khống, hồ sơ giả là người trúng đấu giá; điểm b khoản 7 Điều này trong trường hợp làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản; điểm d khoản 7 Điều này trong trường hợp người không đủ điều kiện tham gia đấu giá là người trúng đấu giá.
Các sai phạm nêu trên của Công ty đấu giá Lào Cai và đấu giá viên phụ trách đã hạn chế người tham gia đấu giá, có dấu hiệu không minh bạch. Do đó, kết quả của cuộc đấu giá nêu trên bị ảnh hưởng nghiêm trọng, quyền lợi của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm. Các cơ quan chức năng cần xem xét hủy kết quả đấu giá tài sản tại phiên đấu giá ngày 02/4/2021 nêu trên. Xem xét xử phạt các hành vi vi phạm và tiến hành đấu giá lại, Luật sư Tùng bày tỏ quan điểm.
PV
Một số bất cập trong quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất trong Luật Đất đai năm 2013