Cháy nhà luôn là thứ chẳng ai muốn nhưng dù ở thời nào thì nguy cơ nó xuất hiện cũng có. Đầu thế kỷ 13, vua Trần Thánh Tông cũng gặp phải và đây là cách ông xét công ban thưởng.
Cháy lớn thì hiếm ai dũng cảm lao thân vào dập lửa, nhưng khi nhận thưởng sẽ có khối kẻ chẳng làm mà muốn nhận công về mình. Vua Trần Thánh Tông đã từng rơi vào hoàn cảnh khó xử, khi muốn xét công chữa cháy mà không biết nên ban thưởng cho những ai.
Thời nhà Trần, nhà cửa của dân chúng chủ yếu được xây dựng bằng các vật liệu dễ bắt lửa như gỗ, tranh, nứa. Nên một khi hỏa hoạn xảy ra thường có thiệt hại lớn về người và của.
Chính vì vậy, vua Trần Thánh Tông rất quan tâm đến việc phòng cháy chữa cháy. Ngài thường xuyên cho người đi gõ mõ, thông báo cho dân chúng cẩn thận việc củi lửa để đề phòng hỏa hoạn.
Một đêm khô hanh năm 1278, một đám cháy bất ngờ bùng lên. Trời nổi gió mạnh khiến đám cháy ngày càng một lan rộng hơn. Tiếng chiêng tiếng trống kêu cứu náo loạn cả kinh thành, vang vào tận cả hoàng cung.
Vua Trần Thánh Tông. Ảnh: Soha.
Nhà vua khi ấy đang say giấc vội bừng tỉnh. Chẳng kịp thay đổi xiêm áo chỉnh tề mà cùng với quân lính đến ngay điểm cháy để chỉ đạo dập lửa lớn.
Việc nhà vua bất ngờ xuất hiện đã làm tăng thêm sự hăng hái của dân và quân trong việc dập lửa.
Người người hò nhau dập lửa không quản ngại hiểm nguy. Cuối cùng đám cháy lớn cũng được dập tắt. Lúc ấy, nhà vua quyết định ban thưởng để động viên tinh thần những người đã tham gia đánh bại hỏa thần.
Thấy được ban thường, ai ai cũng nô nức vui mừng. Nhưng ngặt mội lỗi, ai cũng muốn nhận công nhiều về mình. Người này tranh với người kia, so bì ganh tị với người nọ khiến cho nhà vua rất khó xử.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép lại khi ấy nhà vua đang lúc bế tắc, thì viên quan Nội thư gia trong triều là Đoàn Khung đến bên vua xin được giúp vua phân xử việc thưởng công. Vua bằng lòng cho Đoàn Khung thể hiện khả năng của mình.
Đoàn Khung lệnh cho tất cả những người tham gia dập lửa ngồi xuống bãi cỏ lớn. Sau đó, ông lấy tay ấn vào đầu từng người rồi xếp họ thành hai nhóm. Nhóm người đến trước và nhóm người đến sau.
Vua Trần Thánh Tông thấy Đoàn Khung sắp xếp một cách nhanh gọn và dứt khoát như thế lấy làm ngạc nhiên. Vì không biết ông dựa vào cơ sở nào mà xếp như vậy. Bèn hỏi: "Tại sao khanh biết?".
Đoàn Khung bèn bẩm với vua rằng: Thần ấn đầu người nào mà thấy mồ hôi thấm tóc và có tro bụi bám vào thì đó là những người đến trước và cố sức chữa, người nào đầu tóc không có mồ hôi mà tro bụi bay rơi là người đến sau không kịp chữa, vì thế mà biết".
Nghe vị quan trả lời, nhà vua lấy làm hài lòng. Còn đám đông thì ồ lên thán phục. Những người huyên náo nhất khi trước bất giác lấy tay sờ lên đầu quả thấy tro bụi chỉ bám chút ít. Nay vội im bặt không dám lên tiếng nữa. Còn những người có công thực sự ai lấy đều vui mừng hoan hỉ.
Nghe thấy có lý, vua Trần Thánh Tông dùng cách đó ban thưởng, ai có công lớn được ban thưởng lớn, ai kém hơn chút thì nhận ít hơn. Không ai có thể so bì vì cách phán xử này quá phân minh.
Còn Đoàn Khung với tài năng của mình được ba đời vua Trần Thánh Tông, Nhân Tông và Anh Tông hết sức tin dùng. Đến đời vua Anh Tông, ông được thăng lên chức Kiểm pháp quan, được vua khen là người thông minh và có tài xử án phân minh.
Lời bàn:
Câu chuyện không chỉ nói về sự thông minh của Đoàn Khung khi hiến kế lạ, sự quyết đoán của đức vua khi để người có tài thể hiện mình, mà qua đó, chúng ta còn có thể thấy 1 vị minh quân dũng cảm, không quản nguy hiểm, liều mình vào vùng cháy lớn chỉ đạo dập lửa.
Theo Trí thức trẻ