Ảnh minh họa.
Ngày 26/5, Quốc hội đã dành toàn bộ thời gian làm việc cho công tác xây dựng pháp luật.
Theo đó, trong phiên làm việc sáng, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra về nội dung này.
Cụ thể, theo cơ quan soạn thảo, việc sửa đổi Luật Thanh tra nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Dự thảo Luật kế thừa quy định về hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Luật Thanh tra hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện.
Chủ nhiệm UBPL của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với việc tổ chức các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về việc thành lập cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Về mô hình tổ chức Thanh tra huyện, quá trình thảo luận, UBPL thấy còn có 02 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra huyện vì đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Việc duy trì, củng cố cơ quan thanh tra hành chính ở cấp huyện là cần thiết, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên lý “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra”. Bên cạnh đó, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và Trung ương, bảo đảm phù hợp và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao cho Thanh tra huyện trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra; theo đó, không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.
Chủ nhiệm UBPL của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, đa số ý kiến trong UBPL tán thành việc tiếp tục mô hình tổ chức Thanh tra huyện.
Cũng trong sáng 26/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường, cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Dự án Luật đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 và dự kiến được thông qua tại kỳ họp này.
Về quyền hạn của Cảnh sát cơ động, đa số ý kiến nhất trí quy định như dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các đại biểu cũng lưu ý, do việc thực hiện quyền hạn của Cảnh sát cơ động có liên quan tới quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, quyền về tài sản được pháp luật bảo hộ nên cần tiếp tục được rà soát, bảo đảm tính khả thi, thuận lợi và tránh lạm quyền…
Về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng, quy định như dự thảo Luật là quá rộng. Việc huy động ở đây là con người, là phương tiện, thiết bị dân sự, là tài sản của nhân dân, có những tài sản giá trị lớn, rủi ro bị thiệt hại khi huy động là có, cho nên nếu xảy ra trường hợp lạm dụng quyền huy động vì mục đích cá nhân thì việc xử lý hệ lụy sẽ rất phức tạp.
Do đó, đại biểu cho rằng: "Cần cân nhắc thêm, nên quy định chỉ những trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết để Cảnh sát cơ động có thể huy động và giới hạn người có thẩm quyền huy động khi thực hiện nhiệm vụ độc lập phải là những người phục vụ lâu dài trong lực lượng hoặc giữ cấp bậc, chức vụ nhất định".
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) thì nhấn mạnh, đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và quyền tài sản, nên cần có quy định chặt chẽ, văn bản hướng dẫn dưới luật quy định cụ thể "trường hợp cấp bách" để tránh sự lạm quyền của người thi hành công vụ, tránh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
V.M
Tổ chức ngày hội tư vấn nghề nghiệp cho học sinh THPT tối thiểu 01 lần/năm học