Giao diện Cổng thông tin điện tử pháp điển.
Cụ thể, theo Bộ Tư pháp, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra như hệ thống pháp luật còn rất phức tạp, cồng kềnh, nhiều tầng nấc với nhiều chủ thể ban hành nhiều văn bản QPPL.
Đặc biệt, số lượng văn bản QPPL được ban hành rất lớn và có xu hướng tiếp tục gia tăng, hiện có gần 8.748 văn bản QPPL do các cơ quan ở Trung ương ban hành và 52.544 văn bản QPPL do các cơ quan ở địa phương ban hành. Thực trạng áp dụng pháp luật cho thấy vẫn còn tình trạng các quy định tản mát, phân tán trong nhiều văn bản. Người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các quy định.
Theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Nguyễn Duy Thắng, có trường hợp chính cơ quan ban hành văn bản cũng không xác định được giá trị hiệu lực của văn bản QPPL do mình ban hành, thậm chí các cơ quan Nhà nước có quan điểm khác nhau về hiệu lực của một văn bản cũng là hiện tượng không hiếm thấy. Đồng thời, ông Thắng cũng cho rằng với một hệ thống văn bản QPPL như hiện nay, khó có thể tránh khỏi nội dung các văn bản QPPL có mâu thuẫn, chồng chéo.
Mặt khác, trong điều kiện các quan hệ kinh tế - xã hội ở nước ta đang tiếp tục thay đổi, phát triển mạnh mẽ, hệ thống pháp luật theo đó cũng không ngừng có sự thay đổi cả về số lượng và chất lượng.
Từ thực tế trên, Bộ Tư pháp đánh giá việc xây dựng Bộ pháp điển ở Việt Nam là hết sức cần thiết, góp phần tạo bước chuyển biến mới về chất lượng của hệ thống pháp luật.
Bộ pháp điển của Việt Nam hệ thống hoá các văn bản QPPL còn hiệu lực pháp luật, được cấu trúc theo 45 chủ đề, với 271 đề mục. Trong đó, chủ đề là bộ phận cấu thành của Bộ pháp điển, trong đó chứa đựng QPPL điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định theo lĩnh vực. Còn đề mục là bộ phận của chủ đề, tên gọi của đề mục là tên gọi của văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội thuộc chủ đề.
Cho đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành và trình Chính phủ thông qua kết quả pháp điển 250/271 đề mục, đạt tỉ lệ 92% khối lượng Bộ pháp điển. Các đề mục còn lại đang được khẩn trương thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Kết quả pháp điển của Việt Nam được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển - https://phapdien.moj.gov.vn.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL Nguyễn Duy Thắng, qua việc pháp điển 250/271 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng các bộ, ngành rà soát, làm ‘"sạch" gần 8.000 văn bản trên tổng số gần 9.000 văn bản QPPL của Trung ương. Theo đó, việc này đã góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật đang còn hiệu lực.
Trước đó, vào tháng 04/2012, UBTV Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL, tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho công tác pháp điển.
M.Q
Đề xuất quy định về sử dụng kinh phí kiểm tra, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật