Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực thanh tra diễn ra ngày 05/11, chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng, nguyên nhân căn bản khiến kết luận thanh tra chậm trễ thường liên quan đến phân công quyền lực trong hoạt động thanh tra. Quyền lực càng tập trung, càng có nguy cơ có tiêu cực.
Theo đó, đại biểu Lê Thanh Vân đã chất vấn: "Tại sao chúng ta lại trao cho Tổng Thanh tra Chính phủ ở cấp Trung ương và Thủ trưởng Cơ quan thanh tra ở địa phương được quyền quyết định Đoàn Thanh tra và tự mình ký kết luận thanh tra?".
Theo đại biểu, cần phân công lại theo hướng Thủ trưởng Cơ quan thanh tra chỉ sử dụng Quyền Thủ trưởng để kiểm soát, đôn đốc làm đúng pháp luật. Còn Đoàn Thanh tra phải chịu trách nhiệm và Trưởng Đoàn Thanh tra phải ký kết luận thanh tra, chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, nguyên nhân chậm kết luận thanh tra là do nguyên nhân chủ quan. Trong đó, nhiều cuộc thanh tra có quy mô hơn, tính chất phức tạp, liên quan đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế, nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, mất nhiều thời gian. Ngoài ra, một số quy định của pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, cần thời gian tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn, dẫn đến chậm thời hạn.
Vừa qua, UBKT Trung ương đã đánh giá có 15 cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ chậm ra kết luận thanh tra. Thanh tra Chính phủ đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp cải thiện vấn đề này, dự thảo xong, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để báo cáo kết luận thanh tra của 13 cuộc. Thanh tra Chính phủ sẽ nỗ lực để có kết luận thanh tra 2 cuộc còn lại trong năm 2022.
Về vấn đề tập trung quyền lực trong hoạt động thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hiện tại Thanh tra Chính phủ đang thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành. Trong lần sửa đổi Luật Thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã có ý kiến về vấn đề này.
Hiện nay, Thanh tra Chính phủ có những cuộc thanh tra chậm từ nhiều năm trước, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, qua kiểm tra, không có tiêu cực trong các vụ việc này, các vụ việc chậm đang được tích cực khắc phục.
Về giải pháp cho vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, Thanh tra Chính phủ đang kiến nghị sửa đổi một số điều khoản trong Luật Thanh tra về nội dung thời hạn đưa ra kết luận thanh tra, đồng thời, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành, nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm, ban hành và quán triệt thực hiện quy chế về việc tổ chức hoạt động thanh tra.
HOÀNG TRẦN
Nguyên nhân nào dẫn đến thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp?