Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng ngày 08/11, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) bày tỏ bức xúc khi tình trạng tham nhũng vặt như “vòi bạch tuộc” đeo đẳng, bám chặt đã gây bức xúc lớn cho nhân dân, doanh nghiệp, làm chùn bước các nhà đầu tư, làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, làm xói mòn lòng tin của nhân dân.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, tham nhũng vặt diễn ra đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc hay giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách bóp chặt. Với cách làm đó, người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp biếu xén... thậm chí nhiều vụ việc còn đòi hỏi lót tay, yêu cầu phí bôi trơn.
Đại biểu cũng cho biết, điều đáng lo ngại là điều này ngày càng trở nên phổ biến, có thể gặp ở trong mọi lĩnh vực như khám chữa bệnh, làm các thủ tục hải quan, xây dựng, tư vấn đất đai, các kỳ thi tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, làm luận văn, luận án, phong học hàm, học vị...
Đại biểu nhắc lại lời của Tổng Thanh tra Chính phủ trong phiên chất vấn vừa qua, thừa nhận có sự nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đối với người dân. Đồng thời, bày tỏ mong muốn của cử tri, của nhân dân là Đảng, Nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống “tham nhũng vặt”, chống tiêu cực trong xã hội.
Đánh giá cao những nỗ lực chống tham nhũng của các cơ quan pháp luật từ khâu điều tra, xét xử, thi hành án trong các vụ tham nhũng lớn, cho thấy sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, nghiêm minh của các Cơ quan pháp luật từ khâu điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong các vụ tham nhũng lớn thời gian qua, nhất là vụ Việt Á làm rúng động dư luận xã hội.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, các hoạt động phòng chống tham nhũng vặt có vẻ chưa được nhiều. Số liệu cho thấy năm 2022 đã xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Theo đó, đại biểu cho rằng, con số này còn quá khiêm tốn so với thực tế đang diễn ra. Ngoài ra, đại biểu cũng biết việc chống tham nhũng vặt là rất khó, đôi khi rất mơ hồ, có khi chính người bị nhũng nhiễu cũng rộng lượng cho qua nên rất khó.
Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, việc phòng chống tham nhũng vặt chỉ có thể làm được tốt hơn, hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là của quần chúng nhân dân.
Vì vậy, cần phổ biến chính sách pháp luật nhiều hơn, rộng hơn cho nhân dân, để nhân dân hiểu, tham gia tự tin hơn, hiệu quả hơn... Chỉ khi nhân dân vào cuộc, nói ra, phát hiện ra thì mới thấy được nhiều, khi đó phòng chống tham nhũng vặt mới hiệu quả.
Đặc biệt, cần xem việc chống tham nhũng vặt là việc quan trọng, cần rà soát thường xuyên hơn để phát hiện, ngăn chặn tham nhũng vặt.
Cùng phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) bày tỏ tán thành với các Báo cáo về những kết quả đạt được trong năm qua cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Liên quan đến lĩnh vực đất đai, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực này, cụ thể là tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp.
Theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, cũng giống như các hành vi phạm tội thông thường, dưới góc độ kinh tế, việc sử dụng đất trái pháp luật có thể hiểu là những hành vi kinh tế dựa trên quy dựa trên vấn đề quyết định về chi phí và lợi ích của những người vi phạm pháp luật, đạt được những lợi ích bất hợp pháp và những giá trị nhất định thông qua những hành động vi phạm pháp luật của họ, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và các thành viên khác trong xã hội.
Tất nhiên, họ cũng phải trả chi phí nhất định, bao gồm thời gian, sự chuẩn bị, những lợi ích có thể có khi từ bỏ việc chấp hành pháp luật và các chế tài pháp lý họ có thể phải chịu sau khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, theo đuổi lợi ích rất lớn thu được từ đất đai của các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Đại biểu cho hay, thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, việc quyết định vi phạm pháp luật đất đai của các bên liên quan phụ thuộc vào cách xác định mối quan hệ giữa lợi ích của việc sử dụng đất bất hợp pháp và chi phí và hậu quả của nó.
Đại biểu cũng cho rằng, việc tăng cường thực thi pháp luật đất đai có hiệu quả sẽ có tác động rất lớn, rất quan trọng. Một khi hiệu quả của việc thực thi pháp luật về đất đai tăng lên thì khả năng điều tra và trừng phạt sẽ tăng lên.
“Nếu chúng ta thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ngày càng tăng và ngược lại. Nếu thực thi nghiêm chỉnh các quy định pháp luật đất đai cũng như tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp thì chắc chắn vi phạm pháp luật trong thời gian tới sẽ giảm về đất đai”, đại biểu Lê Thanh Hoàn nhấn mạnh
TRẦN QUÝ