Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại buổi hội thảo.
Tại buổi hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam giá chung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có vai trò quan trọng trong việc đưa các quy định pháp luật sát hơn với thực tiễn công tác quản lý đất đai trên cả nước. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trên cơ sở đó, cần phải tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng các tác động và cụ thể hóa chính sách đất đai nhằm bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và hiệu quả.
Bên cạnh đó, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho rằng: “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn nhiều nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, chưa tạo được không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng, cũng như giảm tối đa thủ tục hành chính”.
Góp ý tại hội thảo, Luật sư Lê Hồng Nguyên, Ủy viên Ban thường vụ,Trưởng Cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay các doanh nghiệp bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính do bị truy thu những khoản tiền lớn do chênh lệch giá đất. Nguyên nhân là vì giá đất theo quy định của Nhà nước là rất thấp so với thị trường, gây ra nhiều bất cập trong việc thu hồi, bồi thường và đầu tư thực hiện dự án.
Do đó, Luật sư Lê Hồng Nguyên nhấn mạnh: “Điều 132, Điều 133, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần sửa lại theo hướng căn cứ để tính giá đất do Nhà nước quy định phải dựa trên nền tảng giá đất trên thị trường; giá đất thị trường sẽ do các Nghị định hướng dẫn chi tiết; đồng thời không để chênh lệch quá nhiều giữa hai mức giá đất, tránh việc tạo hệ quả xấu cho xã hội”.
Luật sư Trương Thị Hòa góp ý tại buổi hội thảo.
Tại Hội thảo, Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng và Trợ giúp Pháp lý Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ ra một số vướng mắc hiện nay về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất (Điều 63, Điều 64, Điều 65) có sự chồng chéo giữa Luật Đất đai và nhiều Luật liên quan như Luật Đầu tư (năm 2020), Luật Doanh nghiệp (năm 2020), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng,... Do đó, Luật sư Hạnh và nhiều ý kiến cho rằng khi sửa đổi Luật Đất đai cần nghiên cứu tính đồng bộ và tính thống nhất trong quá trình vận hành và điều chỉnh của các luật liên quan.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) tham vấn, trong dự thảo dù đã bỏ quy định tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Theo ông Châu, những điểm mới kể trên được quy định trong dự thảo lần này đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình thực hiện thủ tục đất đai cho người sử dụng đất. Dù vậy, lãnh đạo HoREA kiến nghị nên xem xét chuyển quy định bắt buộc giao dịch quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thông qua sàn giao dịch bất động sản tại Điều 211, dự thảo sang “khuyến khích thực hiện” bởi vì nếu bắt buộc sẽ tạo ra những “đặc quyền”, “đặc lợi” cho các sàn giao dịch và thiếu công bằng với các chủ đầu tư dự án bất động sản hiện nay.
Tại hội thảo, PGS-TS Phan Trung Hiền, Trưởng khoa Luật, trường Đại học Cần Thơ cũng cho biết các quy định về tái định cư hiện nay chưa đảm bảo an dân trước khi thu hồi đất, chưa bảo đảm nguyên tắc người có đất thu hồi sau khi sống tại khu tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Do đó, kiến nghị cần quy định cụ thể trong thời gian bao lâu người bị thu hồi đất được cấp nhà, đất tái định cư, cấp sổ cho người dân tái định cư, giải quyết các chế độ khác cho người tái định cư. Có như vậy thì cuộc sống của người dân tái định cư mới bằng, hoặc tốt hơn trước đó.
Các đại biểu khách mời tham dự hội thảo.
Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, nhiều ý kiến tham vấn tại hội thảo đã phân tích các khía cạnh để mở rộng hạn mức, gia hạn thời gian… Trong đó, Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, nêu thực tế ở các nước có nền nông nghiệp phát triển, xuất siêu và đóng góp lớn cho GDP quốc gia, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp cho người dân và hộ gia đình được gia hạn tối đa cùng nhiều thuận lợi đi kèm. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì ngược lại, đất nông nghiệp phục vụ cho nhu cầu công cộng được sử dụng lâu dài, còn cá nhân lại chỉ có thời hạn ngắn hơn…
Phát biểu tại buổi hội thảo Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: “Việc thảo luận, đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Đất đai là một trong những việc làm quan trọng. Bởi vì đất đai là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước và đụng chạm đến nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội”.
Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh khẳng định rằng những quy định pháp luật về đất đai trong thời gian vừa qua đã góp phần rất nhiều vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước từ khi đổi mới cho đến nay. Nhưng bên cạnh đó, thông qua những ý kiến được phản ánh, đã cho thấy các quy định này bắt đầu có những bất cập, đang cản trở sự phát triển của đất nước ở một mức độ nào đó.
Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh: “Cần làm rõ rằng quyền sở hữu toàn dân về đất đai bao gồm các quyền cụ thể gì. Bên cạnh đó, cần xác định xem các chủ thể đang thực hiện quyền sử dụng đất đai vướng mắc ở những quy định nào; đồng thời pháp luật phải quy định cụ thể hơn nữa việc Nhà nước đại diện toàn dân thống nhất việc quản lý đất đai. Có như vậy, mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đất đai để phát triển kinh tế, cũng như hạn chế tối đa việc lạm quyền, tham nhũng, lãng phí trong công tác quản lý”.
LỘC TRẦN - KIM CHI
Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)'