Theo dự thảo luật, điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống trừ loại theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay, là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ngoài ra, trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất bán hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu nhập tách riêng từng bộ phận điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống là cục nóng hoặc cục lạnh thì hàng hóa bán ra hoặc nhập khẩu (cục nóng, cục lạnh) vẫn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như đối với sản phẩm hoàn chỉnh (máy điều hòa nhiệt độ hoàn chỉnh).
Dự thảo luật cũng quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng các loại.
Bày tỏ quan điểm ý kiến về quy định trên tại dự thảo, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện Lê Thị Nga cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt bản chất là đánh vào mặt hàng xa xỉ và không khuyến khích tiêu dùng, “trong khi xăng là mặt hàng tiêu dùng không thể thiếu”. Vì thế, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là không hợp lý. Tương tự, với điều hòa công suất bình thường, hiện nay cũng chỉ là mặt hàng thiết yếu.
Do vậy, bà Nga đề nghị bỏ quy định áp thuế tiêu thụ đặc biệt với hai mặt hàng là xăng và điều hòa nhiệt độ.

Ảnh minh họa.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đề nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với hai mặt hàng là xăng và điều hòa nhiệt độ. Theo ông Tùng, xăng là mặt hàng thiết yếu, là hàng hóa đầu vào của nền kinh tế, không phải mặt hàng xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Hơn nữa, xăng còn chịu thuế bảo vệ môi trường. Trong khi đó, với điều hòa, từ nông thôn đến đô thị nhà nào cũng có 1-2 điều hòa nhiệt độ.
“Chúng ta cho rằng điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống là mặt hàng xa xỉ, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt không thực sự phù hợp” Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Làm rõ việc tiếp tục để xăng và điều hòa thuộc danh mục chịu thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết với điều hòa dù hiện một số đã có thay đổi về công nghệ để giảm sử dụng chất làm lạnh gây hại môi trường cũng như tăng tiết kiệm điện. Song các máy điều hòa vẫn sử dụng các chất làm lạnh khác nhau gây tác hại đến môi trường và tầng ozone.
"Đề xuất đánh thuế dựa trên tham khảo một số nước áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa như Hàn Quốc, Ấn Độ, Nauy… Một số nước châu Âu cũng quy định việc sử dụng điều hòa như Tây Ban Nha cấm sử dụng điều hòa dưới 27 độ. Ở Anh thì muốn lắp điều hòa phải xin giấy phép", ông Cao Anh Tuấn cho biết và nhấn mạnh quan điểm tiếp tục áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa dưới 90.000 BTU trở xuống. Việc đánh thuế nhằm nâng cao nhận thức về hạn chế tiêu dùng cũng như định hướng tiêu dùng điện và bảo vệ môi trường.
Với mặt hàng xăng, Thứ tưởng Bộ Tài chính cho biết xăng có nhiều nhiên liệu hóa thạch, không tái tạo nên cần phải sử dụng tiết kiệm. Hầu hết các nước đều áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9 tới đây.