Đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh.
Góp ý vào quy định về hành vi bạo lực gia đình, Điều 4, khoản 1, điểm k quy định hành vi phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó, trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ là hành vi bạo lực gia đình. Đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại nội dung này cho sát với thực tiễn.
Bởi trong thời đại công nghệ 4.0 với sự đa dạng các nền tảng xã hội cùng nhu cầu chia sẻ thông tin, hình ảnh trên các nền tảng ấy sẽ có nhiều trường hợp người thân trong gia đình chia sẻ những hình ảnh tình cảm vui tươi, trong sáng mà không hỏi ý kiến tất cả các thành viên trong gia đình.
Cũng trong quy định này, trường hợp là trẻ em phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Tuy nhiên, tại Điều 6, khoản 11 của Luật Trẻ em 2016 lại quy định về các hành vi nghiêm cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên và của cha mẹ, người giám hộ của trẻ em.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị cần thống nhất quy định liên quan đến trẻ em và cả hai luật. Tại Điều 4 của dự thảo luật, đại biểu cũng đề nghị bổ sung hành vi bạo lực trên không gian mạng. Vì hiện nay chúng ta sẽ thấy những câu chuyện bôi xấu nhau trên mạng khi không vừa lòng nhau. Đây cũng là bạo lực và đại biểu cho rằng, bạo lực này còn khủng khiếp hơn nội hàm bên trong nội bộ gia đình.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị bổ sung các giải pháp hỗ trợ cơ sở trợ giúp cho đối tượng đặc thù là trẻ em bị bạo lực gia đình và bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình.
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hiện đang tập trung vào các giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực là người lớn với các giải pháp truyền thống hòa giải, biện pháp truyền thông hòa giải, chấm dứt bạo lực mà chưa cân nhắc đến đối tượng đặc thù là trẻ em trực tiếp bị bạo lực gia đình hoặc bị ảnh hưởng khi chứng kiến các hành vi bạo lực gia đình xảy ra giữa các thành viên trong gia đình. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề xuất trong dự thảo Luật cần có các quy định cho đối tượng đặc thù là trẻ em, trong đó cần thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, sự phát triển của trẻ em, lợi ích tốt nhất của trẻ.
Ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu hỗ trợ về y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý, đại biểu cho rằng, cần quan tâm tới các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc học tập của trẻ em khi bị bạo lực gia đình, bảo đảm việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian trẻ đang điều trị các tổn thương về thể chất và tâm lý.
PHƯƠNG HOA
Thông qua hai Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023