Ảnh minh họa.
Theo đó, Với hơn 12,1 triệu lượt ý kiến, trong đó, có gần 10,8 triệu lượt góp ý qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng, là dịp để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình và thực hiện quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai.
Bên cạnh đó, Đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã khẩn trương tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân và ý kiến các vị Đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật. Ngày 6/6/2023 đã đăng tải Báo cáo Tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Góp ý một số nội dung cụ thể hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, liên quan đến chế độ sở hữu đất đai, Điều 53, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
Mục 1, Chương 2, dự thảo Luật quy định về quyền, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện Chủ sở hữu. Điều 16 và Điều 18 quy định trách nhiệm và mối quan hệ giữa Nhà nước với người sử dụng đất là cá nhân, tổ chức cụ thể được xác định tại Điều 6. Tuy nhiên, chưa có quy định về trách nhiệm cũng như mối quan hệ giữa Nhà nước với tư cách là người đại diện và nhân dân với tư cách là Chủ sở hữu đất đai. Trường hợp nào phải do nhân dân quyết định. Nội dung này cần được nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, quy định về sở hữu đất đai tại Điều 5, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 là quy định có tính chất cơ bản lại được chuyển sang Điều 13 của Dự thảo lần này, xếp sau các quy định về người sử dụng đất và các quy định chung khác. Do đó, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị sắp xếp lại theo thứ tự các nội dung như đã xác định trong Điều 1 về phạm vi điều chỉnh.
Về nguyên tắc sử dụng đất, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, Việt Nam là quốc gia đất chật, người đông, theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, tổng diện tích đất các loại là 36,7 triệu hecta trong khi đó dân số hiện nay đã vượt ngưỡng 100 triệu người. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2013, nguồn lực đất đai của Việt Nam vào loại thấp nhất thế giới nếu tính theo đầu người. Với 33,1 triệu hecta đất tự nhiên, trong đó, có hơn 27 triệu hecta đất nông nghiệp, Việt Nam đứng thứ 156 trên thế giới và thứ 9 trong khu vực ASEAN về chỉ tiêu diện tích đất theo đầu người. Tỉ lệ này sẽ còn giảm với tốc độ tăng dân số của nước ta hiện nay. Đây là yếu tố cần được xem xét, đánh giá kỹ.
"Đất đai là tài nguyên hữu hạn, cho nên, có thể trong giai đoạn hiện nay, thậm trí ở thế hệ này chúng ta chưa có điều kiện để khai thác tốt nhất thì chúng ta tiếp tục quản lý, gìn giữ và bảo vệ để các thế hệ mai sau sử dụng hiệu quả hơn", Đại biểu nói đồng thời cho biết đây cũng chính là nguyên lý của phát triển bền vững, theo đó, việc sử dụng đất, một mặt, đáp ứng các nhu cầu của hiện tại nhưng không làm tổn thương đến khả năng của các thế hệ tương lai. Từ đó, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung nguyên tắc "bền vững" trong sử dụng đất vào Điều 6 dự thảo Luật làm căn cứ, cơ sở cho việc xác lập các chính sách trong dự thảo Luật. Bền vững cũng đã được xác định là nguyên tắc trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (khoản 3, Điều 60), trong lấn biển (khoản 2, Điều 190) và trong sử dụng công trình ngầm (khoản 4, Điều 214) dự thảo Luật.
Liên quan đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đây là chế định được nhân dân quan tâm, đóng góp ý kiến nhiều nhất với hơn 1,2 triệu lượt.
Khoản 3, Điều 90, dự thảo Luật quy định, Người có quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật dân sự mà bị thiệt hại về tài sản gắn liền với đất thì được bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chưa xác định việc bồi thường thiệt hại này được thực hiện theo quy định của pháp luật nào.
Trên thực tế, khi Nhà nước thu hồi đất thì đối với tài sản trên đất như nhà cửa, cây cối .... là tài sản thuộc sở hữu của người sử dụng đất thì khi thu hồi phải thực hiện cơ chế thoả thuận dân sự về bồi thường thiệt hại chứ không thể áp dụng phương pháp hành chính như đối với đất.
Do đó, Đại biểu tiếp tục đề nghị bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải được thực hiện theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự để vừa đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất, vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Dân sự.
Về cơ chế thỏa thuận, so với Điều 73 của Luật Đất đai hiện hành, Điều 127, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi, đối tượng và trường hợp áp dụng cơ chế thỏa thuận để thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội. Đại biểu cho rằng đây là điểm tiến bộ lớn, là cơ chế cần được khuyến khích, thúc đẩy.
Điểm c, khoản 3, Điều 127, dự thảo Luật quy định một trong các điều kiện áp dụng cơ chế thỏa thuận là “Có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án”.
Tuy nhiên, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị làm rõ giá trị pháp lý của văn bản này thế nào, trường hợp nhà đầu tư và người sử dụng đất có tranh chấp thì có thể sử dụng văn bản này làm căn cứ giải quyết hay không? Bên cạnh đó, đề nghị làm rõ việc xin văn bản này được thực hiện trong giai đoạn nào? đây có phải là thủ tục hành chính không? Trường hợp nhà đầu tư sau khi thỏa thuận và có quyền sử dụng đất nhưng dự án đầu tư thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư thì có phải thực hiện 02 thủ tục là Thủ tục về chấp thuận thỏa thuận quyền sử dụng đất và Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hay không?
Về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, Nghị quyết số 18 của Trung ương yêu cầu: Tập trung nguồn lực đầu tư, chỉ đạo quyết liệt và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Báo cáo số 139 của Chính phủ tổng hợp ý kiến nhân dân cho thấy rất nhiều ý kiến liên quan đến đất đai cho đồng bào thiểu số được đề cập. Tuy nhiên, ngoài quy định nghĩa vụ "bảo đảm" đất ở, đất sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tại khoản 1, Điều 17; bổ sung quyền của người sử dụng đất là người dân tộc thiểu số tại khoản 1, Điều 38 thì các quy định khác tại 04 Điều: 49, 157, 180 và 181 của dự thảo Luật cơ bản giữ như Luật hiện hành, không mang tính đột phá, chưa tạo cơ chế để giải quyết dứt điểm những hạn chế, khó khăn về đất đai cho đồng bào.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đất đai không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về tâm linh. Do đó, phải quan tâm đến văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống của đồng bào khi đưa ra các quy định về đất đai. Tại Kỳ họp thứ 4, đã có ý kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét quy định một chế định riêng (có thể là một mục riêng) với những nội dung cụ thể về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.
TRẦN QUÝ
Hôm nay Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm