Ảnh minh họa.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 25, ngày 25/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Theo đó, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là chính sách phát triển nhà ở phục vụ nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng nên phân loại nhà ở như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 25/8.
Cụ thể, loại thứ nhất là nhà ở thương mại dành cho mọi loại đối tượng, ai cũng có thể mua được. Loại thứ hai là nhà ở thương mại giá rẻ dành cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng xã hội không đủ điều kiện mua nhà ở thương mại bình thường. Nhà ở thương mại giá rẻ có giá thấp hơn nhà ở thương mại bình thường do đã được Nhà nước hỗ trợ thông qua việc không thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và nhiều chính sách hỗ trợ khác. Loại thứ ba là nhà ở xã hội theo chính sách ưu tiên của Nhà nước.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương giải thích, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang hiện nay đều có quyền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, do chính sách nhà ở xã hội không đáp ứng được nhu cầu của lực lượng vũ trang nên Quân đội, Công an được phép chuyển một phần đất quốc phòng, an ninh để đáp ứng yêu cầu làm nhà ở cho lực lượng vũ trang, bảo đảm yêu cầu sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị, quy định chặt chẽ hơn về nhà ở công vụ. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang ở địa phương này nhưng luân chuyển công tác sang địa phương khác thì được thuê nhà ở công vụ. Sau này, khi không còn công tác ở địa phương đó hoặc về hưu thì người thuê phải trả lại nhà ở công vụ, tránh trường hợp một người được hưởng nhiều chính sách nhà ở nhiều nơi khác nhau.
Đồng ý với Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) mới chỉ tính đến đối tượng trong các khu công nghiệp trong chính sách về nhà ở xã hội. Trong khi đó, thực tế có nhiều loại nhà ở cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Cụ thể là loại nhà ở chuyên biệt do lực lượng vũ trang tự xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức trong lực lượng khi nhà ở xã hội không đáp ứng được nhu cầu. Cùng với đó, cán bộ, công chức, viên chức cũng có nhu cầu mua nhà ở với giá phù hợp, nên cũng cần có chính sách chung để phát triển nhà ở phục vụ nhu cầu của nhóm đối tượng này.
Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hiện chưa có nội dung nào quy định về nhóm nhà ở thương mại giá rẻ do được Nhà nước miễn tiền thuê đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất để bán cho cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định này để có thể triển khai thi hành.
Trước đó, báo cáo về một số vấn đề giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với với dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thì dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định theo hướng dẫn chiếu thực hiện theo Luật Đất đai.
Về các trường hợp miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị bổ sung vào Điều 157 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trường hợp miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân. Đồng thời, đề nghị quy định rõ tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) các trường hợp dự án nhà ở được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (không quy định chung là miễn, giảm) như dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hoặc dẫn chiếu đến Luật Nhà ở để tránh cách hiểu và áp dụng pháp luật không đồng bộ, thống nhất.
Thảo luận về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là nội dung làm việc cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 25.
TRẦN MINH