Ảnh minh họa.
Theo đó, đa số thành viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của thanh tra hành chính ở cấp huyện phù hợp với yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, khắc phục bất cập đã được chỉ ra qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thanh tra. Các thành viên này đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.
Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra đã chỉ rõ cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra, biên chế rất ít, không phát huy được hiệu quả. Mặt khác, giảm đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (713 thanh tra huyện) phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; khắc phục tình trạng dàn đều về biên chế của các cơ quan cấp huyện, bổ sung nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thanh tra tỉnh. Việc bỏ thanh tra cấp huyện, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, vẫn bảo đảm nguyên lý "ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra" vì khi không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện thì chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này sẽ được chuyển cho cấp tỉnh. Lực lượng thanh tra địa phương khi đó được quản lý tập trung, tạo thuận lợi cho đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với đề nghị của cơ quan thẩm tra. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, thay đổi hệ thống liên quan đến các điều luật và cơ quan thanh tra cũng có nhiệm vụ khác. Đơn cử thanh tra huyện giúp UBND huyện giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng. Nhiều huyện rất rộng, như TP. Thủ Đức (TP. HCM) dân số bằng ba huyện nhập lại, hay TP. Hạ Long (Quảng Ninh) sáp nhập huyện Hoành Bồ, trong khi huyện rộng bằng tỉnh Bắc Ninh...
Luật Thanh tra hiện hành được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2010. Dự án Luật Thanh tra sửa đổi sẽ thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế của các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay. Dự luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ ba, khai mạc tháng 5.
PV
Tăng cường công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án