/ Pháp luật - Đời sống
/ Đề nghị cân nhắc không quy định về chi phí sao chụp tài liệu trong Pháp lệnh Chi phí tố tụng

Đề nghị cân nhắc không quy định về chi phí sao chụp tài liệu trong Pháp lệnh Chi phí tố tụng

14/12/2023 11:30 |

(LSVN) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Phiên họp thứ 28 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định về chi phí sao chụp tài liệu trong dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, tại phiên họp, thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định: Ủy ban Tư pháp nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng nhằm thực hiện quy định tại Điều 169 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 370 Luật Tố tụng hành chính và tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự về chi phí tố tụng, góp phần quan trọng bảo đảm các điều kiện để hoạt động tố tụng được tiến hành kịp thời và hiệu quả.

Đáng chú ý, Điều 4 của dự thảo Pháp lệnh đã mở rộng, quy định đối với 13 loại chi phí tố tụng, trong đó, nhiều chi phí đã được rà soát và bảo đảm có căn cứ pháp luật. Do đó, việc quy định trong dự thảo Pháp lệnh là phù hợp.

Cụ thể, Ủy ban Tư pháp tán thành quy định về các loại chi phí sau đây:

Thứ nhất, các chi phí đã được xác định cụ thể tại Điều 169 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 370 của Luật Tố tụng hành chính và Điều 135 của Bộ luật Tố tụng hình sự, gồm:

- Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài;

- Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ;

- Chi phí giám định;

- Chi phí định giá tài sản; 

- Chi phí cho người làm chứng;

- Chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật;

- Chi phí cho người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa.

Thứ hai, một số chi phí khác theo quy định của luật hoặc pháp luật có liên quan, gồm:

- Chi phí cho Hội thẩm (căn cứ quy định tại Điều 88 Luật Tổ chức TAND);

- Chi phí tham gia phiên tòa cho người thực hiện giám định (căn cứ quy định tại Điều 44 Luật Giám định Tư pháp).

Thứ ba, một số chi phí có tính chất tương tự với những chi phí đã được Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và luật khác quy định, gồm:

- Chi phí xem xét tại chỗ trong tố tụng hình sự;

- Chi phí tham gia phiên tòa cho người thực hiện định giá tài sản;

- Chi phí cho người đại diện do Tòa án chỉ định.

Ngoài các chi phí nêu trên, dự thảo Pháp lệnh còn quy định 04 loại chi phí, gồm: (1) Chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; (2) Chi phí xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú, chi phí xác minh tài liệu, chứng cứ; (3) Chi phí sao chụp tài liệu; (4) Chi phí bảo quản tài liệu, chứng cứ, vật chứng.

Đối với 04 loại chi phí này, Ủy ban Tư pháp có 02 loại ý kiến:

Thứ nhất là đa số ý kiến tán thành quy định 04 loại chi phí nêu trên do đây là các chi phí phát sinh trực tiếp, gắn liền với các nhiệm vụ tố tụng được các luật tố tụng giao (Ví dụ: Khi thực hiện nhiệm vụ tống đạt văn bản tố tụng ra nước ngoài thì phát sinh chi phí thuê dịch tài liệu tố tụng …).

Thực tế, khối lượng công việc thuộc 04 nhiệm vụ này rất lớn, phát sinh nhiều chi phí, nếu không được xác định là chi phí tố tụng, mà phải bố trí vào kinh phí chi thường xuyên theo định mức sẽ rất khó khăn cho các cơ quan tố tụng. 

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, mặc dù 04 loại chi phí nêu trên đều phát sinh trực tiếp từ những hoạt động đã được quy định trong luật tố tụng nhưng Luật không giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định các nội dung này. Do đó, để thực hiện đúng khoản 1 Điều 16 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị cân nhắc không quy định về 04 loại chi phí này trong Pháp lệnh.

MAI HUỆ

Bùi Thị Thanh Loan