Ảnh minh họa.
Ngày 11/10, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị làm rõ, công khai thông tin, những đơn vị mà người đứng đầu không trực tiếp tiếp công dân.
Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội dẫn lại báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc chấp hành quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đạt 79%, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đạt 45%.
Như vậy, đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, việc trực tiếp công dân hàng tháng mới đạt chưa đầy 80%, tức còn khoảng 20%. Đặc biệt đáng lưu ý đối với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạt 45%, nghĩa còn 55% chưa trực tiếp tiếp công dân.
Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị công khai thông tin những đơn vị người đứng đầu không trực tiếp tiếp công dân, kể cả cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Đồng thời cũng yêu cầu phải công khai báo cáo trước Quốc hội để Quốc hội rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhận định, nếu công khai được thì tình hình năm sau sẽ chuyển biến tích cực.
Đồng tình với ý kiến này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu thực tế người đứng đầu ở địa phương hoặc đứng đầu các ngành rất bận nhưng cũng có người không dành thời gian tiếp công dân.
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, khi đi tiếp xúc cử tri đã có những địa phương phản ánh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có nơi chưa thực sự quan tâm đến việc này.
Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, theo quy định của Đảng, mỗi tháng người đứng đầu cấp ủy phải tiếp công dân một lần nhưng không nhiều địa phương làm được việc này.
Từ đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị chỉ đạo nghiên cứu đề xuất trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về giải quyết đơn kiến nghị phản ánh của công dân.
Đồng thời, ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; quy định về việc xem xét, quyết định giải quyết khiếu nại về hành chính đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm.
Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị bổ sung rõ địa chỉ cụ thể cá nhân, cơ quan, đơn vị chưa trực tiếp tiếp công dân để xác định trách nhiệm, có chế tài xử lý thích hợp. Từ đó, giúp cho công tác này ở các nơi này có chuyển biến.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung nêu cụ thể công khai tên danh mục những bộ ngành địa phương cơ quan đơn vị chưa làm tốt, chưa chấp hành nghiêm quy định của Đảng và pháp luật nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, những nơi còn nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo tồn đọng, kéo dài.
TRẦN MINH
Đề xuất thực hiện chính sách tiền lương mới đối với giáo viên mầm non, tiểu học