Đề nghị làm rõ trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

09/05/2023 18:36 | 1 năm trước

(LSVN) – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần làm rõ sự thống nhất giữa quy định về những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 09/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật với những lý do như trong Tờ trình Chính phủ, nhất là yêu cầu thể chế hóa kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực ngân hàng đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh, khắc phục những hạn chế, bất cập qua thực tiễn thi hành luật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đánh giá, hồ sơ dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng, xây dựng công phu, đảm bảo các yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật đã bổ sung phạm vi điều chỉnh về việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu, đại biểu cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là phù hợp với Nghị quyết 63 của Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 3.

Về đối tượng áp dụng, dự thảo luật bổ sung thêm tổ chức nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua bán, xử lý nợ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc bổ sung đối tượng này là phù hợp.

Về về việc đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, dự án luật này có liên quan đến nhiều đạo luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp phá sản, Luật Chứng khoán, Luật Thi hành án dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự.

Do đó, đề nghị cần cân nhắc xem xét một số nội dung dự thảo luật; rà soát để đảm bảo tính đường bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ, điểm e khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam: Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trong khi đó, khoản 2, Điều 33 của dự thảo luật quy định những người không được đảm nhiệm là kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh, Giám đốc công ty con của tổ chức tín dụng, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án, người đã bị kết án về tội từ tội phạm nghiêm trọng trở lên, người đã bị kết án về tội xâm phạm sở hữu mà chưa được xóa án tích.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị dự án luật là cần làm rõ sự thống nhất giữa quy định của dự thảo luật này và Luật Doanh nghiệp.

Về quy định về khoản cho vay đặc biệt là một vấn đề rất quan trọng, có tác động lớn đến nguồn lực kinh tế của đất nước, cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan trình dự án đánh giá một cách toàn diện về việc thực hiện các quy định về khoản cho vay đặc biệt trong thời gian qua như thế nào.

PV

Đề xuất mở rộng các nước miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam