Ảnh minh họa.
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, ngày 30/10, Quốc hội thảo luận việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về 03 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đó, góp ý về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho rằng, nội dung hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào còn rất nhiều khó khăn, nguyên nhân do thiếu quỹ đất.
Theo Đại biểu, cần xem xét điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch vùng, rà soát bom mìn để giành thêm quỹ đất sản xuất cho đồng bào nhằm ổn định cuộc sống, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Riêng hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với hộ chưa được cấp đất sản xuất, Đại biểu cho hay, thực tế thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do mức hỗ trợ thấp, chỉ 9-10 triệu đồng/người và hướng dẫn nội dung hỗ trợ không rõ ràng.
Cụ thể, trong hỗ trợ xây dựng nhà ở, quy định nêu rõ vốn hỗ trợ từ nguồn Trung ương là 40 triệu đồng và địa phương đối ứng tối thiểu 10%, trong khi phải đợi đáp ứng đủ 04 tiêu chí là diện tích 30m2 và cứng tường sử dụng 20 năm, phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào và thi công ở miền núi.
Theo Đại biểu, những năm qua mặc dù đã hỗ trợ làm rất nhiều nhà cho các đối tượng khó khăn, tuy nhiên, những hộ nào có đối ứng được thì đa số đã được làm, còn lại những hộ khó, trong khi giá thành để xây dựng nhà như tiêu chí, tối thiểu phải là 120 triệu.
Chương trình có ưu đãi vay vốn, song những hộ này quá khó khăn, có tâm lý dù lãi suất ưu đãi đến mấy, thời gian có kéo dài thì vay cũng phải trả và có vay ở mức tối đa cũng không đủ để làm. Do đó, Đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, cần phải nâng mức hỗ trợ hợp lý và khả thi.
Ngoài ra, Đại biểu cũng cho rằng, cần bổ sung nội dung tập huấn cho đồng bào cách chi tiêu, tái tạo sức lao động, tiết kiệm, tích lũy, tránh sa vào tệ nạn xã hội.
Theo Đại biểu, đây là việc rất cần thiết, vì trong thực tế đồng bào do nhận thức, ý thức, trình độ và đặc thù nên việc tích lũy thường rất ít, chi tiêu không hợp lý, dẫn đến hiệu quả thoát nghèo bền vững không cao hay tái nghèo và cứ như thế đi vào vòng luẩn quẩn, không thoát ra được.
QUÝ NGUYỄN
Yêu cầu hoàn chỉnh nhiều nội dung trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội