Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình.
Ngày 14/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, UBTV Quốc hội xem xét, cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2022.
Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho hay, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về việc mặc dù đã có các quy định về phòng cháy, chữa cháy nhưng các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng vẫn xảy ra, nhất là tại các quán karaoke, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.
Từ đó, Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy.
Cụ thể, tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc thanh tra thực chất, tránh hình thức. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện, duy trì điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Cho ý kiến về báo cáo dân nguyện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định, thời gian qua liên tục xảy ra các vụ cháy, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có vụ làm hơn 30 người tử vong (vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương), gần đây nhất có vụ cháy chợ ở Hưng Yên.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận định, Quốc hội cuối khóa XIV đã có cuộc giám sát tối cao rất “đầy đặn” về phòng cháy, chữa cháy, thực hiện tại nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chúng ta chưa lần nào tái giám sát lại trong khi tình hình cháy nổ vẫn tục diễn ra.
Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kiến nghị Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội tổ chức tái giám sát việc thực hiện nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội về phòng cháy, chữa cháy để xem công tác thực hiện nghị quyết đến đâu? Tại sao đã có nghị quyết giám sát mà tình hình cháy vẫn không giảm?
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ, trong tháng 8/2022, những vấn đề có liên quan đến công tác dân nguyện và thuộc trách nhiệm, Bộ Công an đã chỉ đạo sát sao Công an các đơn vị, địa phương; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp hạn chế tình trạng công dân tập trung đông người, gây mất an ninh trật trự tại các cơ quan Trung ương; tăng cường thanh, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh; tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là an ninh mạng; tăng cường xử lý các hình thức cho vay nặng lãi; xử lý tình trạng các quán karaoke, vũ trường có ma tuý, mại dâm...
“Công tác phòng cháy, chữa cháy đã giải quyết quyết liệt, nhất là sau vụ 03 cán bộ, chiến sỹ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hy sinh. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn tiếp tục xảy ra các vụ cháy, Bộ Công an sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho biết.
Cũng tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng cho biết, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm về việc tại một số địa phương, một số cây xăng, cửa hàng bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa, tạm ngừng bán ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
Cùng với đó là tình trạng người lao động Việt Nam bị các đối tượng xấu lừa gạt, dụ dỗ sang Campuchia “làm việc nhẹ lương cao” rồi sau đó bị chèn ép, cưỡng bức lao động, hành hung buộc phải trốn chạy… gây bức xúc trong dư luận.
Theo đó, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành thanh tra, kiểm tra và xử lý các cây xăng, cửa hàng bán lẻ xăng dầu nếu có vi phạm. Đồng thời, có biện pháp quyết liệt hơn để xử lý các đối tượng lừa đảo, dụ dỗ lao động trái phép.
Về tình hình khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng 8, công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so với tháng 7.
Qua rà soát, hiện vẫn còn 59 người khiếu kiện của 20 địa phương đang lưu trên địa bàn Hà Nội.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, đây là những vụ việc phức tạp, kéo dài và đã được các cơ quan ở Trung ương và địa phương tiếp, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
TRẦN QUÝ