Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà vừa ký Báo cáo số 134/BC-BTNMT gửi Quốc hội dự kiến một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Báo cáo dựa trên cơ sở tổng hợp ý kiến của 218 Đại biểu Quốc hội với 228 lượt phát biểu thảo luận tại 19 Tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bộ TN&MT là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo.
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, dự thảo Luật quy định quy hoạch sử dụng đất quốc gia là quy hoạch tổng thể, vĩ mô. Do vậy, chỉ xác định một số chỉ tiêu sử dụng đất có tính chất tổng hợp, quan trọng để đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh... phù hợp với từng vùng, từng địa phương.
Về thu hồi đất, trưng dụng đất (Chương VI); trong đó, về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86) có ý kiến đề nghị giảm đến mức tối đa trong việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị Nhà nước thu hồi đất trong mọi trường hợp để đảm bảo vai trò đại diện chủ sở hữu của Nhà nước, đồng thời để tránh trường hợp trong một khu vực diễn ra tình trạng chênh lệch lớn giữa mức giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất so với giá nhà đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất gây sự so bì, phát sinh khiếu kiện như thời gian qua.
Về nội dung trên, Bộ TN&MT báo cáo, Nghị quyết số 18-NQ/TW xác định “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”, do đó cần phải thu hồi đất để có quỹ đất phục vụ cho mục tiêu trên.
Tuy nhiên, Nghị quyết 18-NQ/TW cũng yêu cầu “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.
Đây là nội dung quan trọng, còn nhiều ý kiến khác nhau, quyết định đến phương thức tiếp cận, chuyển dịch đất đai, ảnh hưởng đến việc thống nhất quản lý Nhà nước về đất đai, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, dễ phát sinh khiếu kiện. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, đồng thời đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận quyết định vấn đề này trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ tiêu chí, điều kiện, nội hàm thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Theo Bộ TN&MT, Điều 86 Dự thảo Luật đã thể chế định hướng đổi mới chính sách đất đai theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó có quy định về điều kiện, tiêu chí thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng đến từng loại dự án. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai.
Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về điều kiện, trình tự, thủ tục thu hồi đất đối với dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thực hiện dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại là hoạt động kinh tế đơn thuần, không phục vụ lợi ích công cộng mà chủ yếu phục vụ cho lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản nên quy định cho chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để đảm bảo công bằng với lĩnh vực khác.
Về vấn đề nêu trên, Bộ TN&MT cho biết, Nghị quyết 18-NQ/TW xác định “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”, theo đó tại Điều 125 và Điều 126, dự thảo Luật đã quy định dự án đô thị, nhà ở thương mại thuộc trường hợp phải đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, vì vậy trong trường hợp này Nhà nước phải thu hồi đất để thực hiện.
Việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất ngoài việc tạo sự công bằng, minh bạch trong tiếp cận đất đai còn tạo ra nguồn thu lớn vào ngân sách Nhà nước để phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, nhằm điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư.
Đối với ý kiến quy định cho chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, dự thảo Luật đã quy định tại Điều 138. Tuy nhiên, nội dung này còn có nhiều ý kiến khác nhau, vì khi thực hiện đồng thời hai cơ chế sẽ có sự so bì về mức giá bồi thường gây phát sinh khiếu kiện.
Đồng thời, khó thực hiện chủ trương Nhà nước giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra như yêu cầu tại Nghị quyết 18-NQ/TW.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Chương VII). Trong đó, về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 112). Bộ TN&MT cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ mục đích, cơ chế quản lý, sử dụng của Quỹ hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, người cao tuổi; đề nghị bổ sung đối tượng hỗ trợ là người nghèo.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, tại Nghị quyết 18-NQ/TW xác định “Thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi”.
Đối tượng trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, người cao tuổi bị hạn chế khả năng lao động, sống phụ thuộc nên khi hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất tác động lớn đến đời sống của họ, do đó cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo ổn định đời sống cho nhóm đối tượng này. Về cơ chế quản lý, sử dụng của Quỹ là nội dung mang tính chuyên môn, nghiệp vụ do đó sẽ được quy định chi tiết tại các văn bản hướng dẫn thi hành.
HOÀNG NGUYÊN
Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập Cơ quan thanh tra chuyên ngành