(LSVN) - Nội dung trên được nhiều đại biểu đồng thuận trong phiên thảo luận Quốc hội sáng nay 21/10 về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành.
Ngày 21/10, Quốc hội nghe tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và thảo luận về Dự thảo Luật cư trú (sửa đổi). So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) tại kỳ họp này đã được tiếp thu, chỉnh lý 42 Điều, trong đó tập trung làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật, đáng chú ý là nội dung quy định liên quan đến xóa bỏ sổ hộ khẩu và đăng ký thường trú.
Tại thảo luận, đa số ý kiến đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân.
Theo đại biểu Trần Thị Dung- Điện Biên, trong điều kiện kinh tế bị ảnh hưởng do Covid-19, việc dành nguồn lực hoàn thiện nhanh hai cơ sở dữ liệu và đầu tư hạ tầng kết nối các cơ quan trên toàn trước 01/07/2021 là khó khăn. Vì thực tế khi thực hiện nhiều thủ tục hành chính, các giao dịch của người dân, như đăng ký nhập học, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, điện, nước, viễn thông… Việc bảo đảm kết nối liên thông giữa Bộ, ngành, địa phương với hai cơ sở dữ liệu vẫn đang triển khai, chưa hoàn thiện thì chắc chắn sẽ gây khó khăn cho người dân.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Quảng Bình cũng cho rằng, để tránh phiền hà, bảo vệ quyền lợi người dân cần có giai đoạn chuyển tiếp, nghĩa là cho phép tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu/sổ tạm trú tiếp tục đến ngày 31/12/2022.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp cho rằng, để không gây phiền hà cho người dân thì nên kéo dài thêm 2 năm (đến 31/12/2022). Vì cơ quan công an có thể đảm bảo không yêu cầu thêm giấy tờ chứng minh nơi cư trú khi bỏ sổ hộ khẩu ngay khi Luật có hiệu lực (01/07/2021), nhưng các cơ quan, tổ chức khác có thể vẫn yêu cầu.
Một số đại biểu cũng cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu/ tạm trú ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến người dân. Nếu Luật ban hành mà gặp khó khăn khi thi hành, cần sửa đổi thì cũng không thể tiến hành ngay được vì phải theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên cần đánh giá, cân nhắc toàn diện quy định về hiệu lực của sổ hộ khẩu/ sổ tạm trú để tránh việc gây khó khăn cho người dân.
Vì vậy, nhiều đại biểu khẳng định đồng ý phương án 1 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, theo đó, kể từ ngày Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu/sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.
HƯƠNG LAN(t/h)