Theo Bộ Y tế, mặc dù quyền được chuyển đổi giới tính đã được ghi nhận tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có văn bản luật chuyên ngành quy định chi tiết về vấn đề này. Người chuyển giới tại Việt Nam vẫn phải đi nước ngoài để thực hiện các can thiệp y học để chuyển đổi giới tính hoặc thực hiện chuyển đổi giới tính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bất hợp pháp tại Việt Nam, từ đó gây ra nhiều hệ lụy về vấn đề sức khỏe, tính mạng của người chuyển giới, gánh nặng cho Nhà nước và xã hội.
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017. Theo đó, Điều 37 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”. Như vậy, sẽ cần phải xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính để thực hiện quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo Bộ Y tế, quan điểm xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính nhằm bảo đảm xây dựng điều kiện pháp lý minh bạch, khả thi, thuận tiện cho người có nhận diện giới khác giới tính hiện có; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến quyền con người; phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế - xã hội của Việt Nam; bảo đảm cho người có nhận diện giới khác giới tính hiện có được sống đúng với giới tính mà họ mong muốn; thực hiện, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người chuyển đổi giới tính; chống phân biệt đối xử và bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước.
Trên quan điểm xây dựng trên, dự thảo Luật đưa ra 7 chính sách:
Chính sách 1: Các trường hợp công nhận là người chuyển đổi giới tính nhằm tôn trọng quyền tự quyết, tạo điều kiện cho cá nhân đề nghị chuyển đổi giới tính được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn.
Chính sách 2: Quy định về độ tuổi được thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính với mục tiêu bảo đảm người có mong muốn chuyển đổi giới tính hoàn toàn tự nguyện, nhận thức được đầy đủ, toàn diện hành vi của mình và hậu quả có thể xảy ra, từ đó quyết định có thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính hay không và thực hiện quyền chuyển đổi giới tính một cách tự nguyện.
Chính sách 3: Quy định về tình trạng hôn nhân trước khi thực hiện can thiệp y học về chuyển đổi giới tính với bảo đảm việc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của người đề nghị không làm ảnh hưởng, xáo trộn đến các quan hệ xã hội có liên quan trực tiếp đến họ như quan hệ vợ, chồng, quan hệ cha, mẹ, con và tránh làm xung đột pháp luật trong hệ thống pháp luật có liên quan.
Chính sách 4: Xác định tâm lý người chuyển đổi giới tính bảo đảm quy định đưa ra phù hợp với đặc điểm kinh tế, tình hình xã hội của Việt Nam và giúp cho người có mong muốn chuyển đổi giới tính có thời gian chuẩn bị về tâm lý (không hoặc giảm bị stress hoặc có suy nghĩ tiêu cực) khi cơ thể chuyển từ giới tính này sang giới tính khác, thái độ chấp nhận giới tính mới của gia đình và những người xung quanh…
Chính sách 5: Điều kiện đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Mục tiêu của chính sách bảo đảm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính phải có năng lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực y tế để thực hiện; bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng cho người thực hiện.
Chính sách 6: Quy định công nhận đối với các trường hợp đã thực hiện phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục hoặc phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực. Chính sách này là một trong những trường hợp công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Chính sách 7: Chi trả chi phí thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính bảo đảm phù hợp, thống nhất với chính sách bảo hiểm y tế của Nhà nước và thực trạng nguồn ngân sách của Nhà nước hiện nay.
TIẾN HƯNG
Tăng 10 lần mức phạt khi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác từ 01/01/2022