Bộ Quốc phòng đang đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.
Theo Bộ Quốc phòng, nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt vi phạm hành chính được thực thi hiệu quả; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, Bộ Quốc phòng đề xuất xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu là rất cần thiết. Dự kiến Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.

Ảnh minh hoạ.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng bao gồm:
a) Vi phạm quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự; nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;
b) Vi phạm quy định về lực lượng dự bị động viên;
c) Vi phạm quy định về dân quân tự vệ;
d) Vi phạm quy định về phòng thủ dân sự;
đ) Vi phạm quy định về phòng không nhân dân;
e) Vi phạm quy định về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
g) Vi phạm quy định về công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp;
h) Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự;
i) Vi phạm quy định về sử dụng chứng nhận đăng ký, biển số xe quân sự, giấy phép lái xe quân sự và sử dụng, mua bán, sản xuất biển số xe quân sự, biển số phương tiện quân sự hoạt động trong lĩnh vực đường thủy nội địa và hàng hải.
k) Vi phạm quy định về sử dụng, mua bán, sản xuất quân trang, trang phục của dân quân tự vệ và biển công tác, cờ hiệu.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực cơ yếu bao gồm:
a) Vi phạm các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước;
b) Vi phạm quy định về thời hạn không được tham gia hoạt động mật mã và cam kết bảo vệ bí mật nhà nước;
c) Vi phạm quy định về sản xuất, cung cấp sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước.