Văn bản số 23/LĐLSVN-UBBVQLLS ngày 26/01/2022 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về việc đề nghị xem xét kiến nghị của Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn về thủ tục đăng ký người bào chữa.
Văn bản nêu rõ, ngày 20/01/2022, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được Văn bản số 03/2022/CV-ĐLS ngày 18/01/2022 của Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn phản ánh việc, các cơ quan tố tụng tỉnh Lạng Sơn, gồm: Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã họp và thống nhất ý kiến trả lời văn bản của Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn về thủ tục Luật sư thực hiện đăng ký bào chữa cho người bị buộc tội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không phù hợp với quy định pháp luật.
Theo phản ánh của Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn, một số Cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bản tỉnh, khi tiếp nhận thủ tục đăng ký người bào chữa của Luật sư để bào chữa cho người bị buộc tội, ngoài các hồ sơ tài liệu đã được Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS), Luật Luật sư quy định, còn yêu cầu Luật sư phải cung cấp thêm tài liệu chứng minh mối quan hệ thân thích giữa người mời Luật sư với người bị buộc tội.
Vào ngày 09/10/2021, Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Văn bản số 14/2021/CV-ĐLS gửi các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng quy định của pháp luật về tố tụng và tạo điều kiện cho Luật sư thực hiện theo quy định của pháp luật.
Vào ngày 05/01/2022, trên cơ sở cuộc họp của các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Văn bản số 27/VPCQCSĐT, nêu ý kiến của các Cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Lạng Sơn, tiếp tục yêu cầu: “Các Văn phòng Luật sư khi nhận các yêu cầu (mời) Luật sư phải yêu cầu người mời Luật sư nộp tài liệu chứng minh bản thân họ là người cỏ quan hệ thân thích với người bị buộc tội theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 4 Bộ luật TTHS năm 2015 và giao nộp cho lại cho Cơ quan tiến hành tố tụng...".
Sau khi nghiên cứu văn bản phản ánh của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn, căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận thấy:
Thứ nhất, theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 78 Bộ luật TTHS năm 2015, quy định về thủ tục đăng ký bào chữa thì: “2. Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ: a) Luật sư xuất trình Thẻ Luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu Luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội".
Thứ hai, theo quy định tại khoản 2, Điều 27 Luật Luật sư, khi tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo, đương sự thì “Luật sư xuất trình Thẻ Luật sư và giấy yêu cầu Luật sư của khách hàng. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ khi Luật sư xuất trình Thẻ Luật sư và giấy yêu cầu Luật sư của khách hàng, cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng của Luật sư".
Thứ ba, khoản 3, Điều 75 Bộ luật TTHS năm 2015, quy định “3. Trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để có ý kiến về việc nhờ người bào chữa".
Mặt khác, trong phần cuối Văn bản số 27/VPCQCSĐT ngày 05/01/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn cũng khăng định: “Việc giao nộp tài liệu chứng minh là người thân thích là trách nhiệm và nghĩa vụ của người yêu cầu (mời) Luật sư trong trường hợp họ là người thân thích với người buộc tội. Luật sư khi đăng ký bào chữa, người bào chữa chỉ xuất trình: Thẻ Luật sư kèm bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu (mời) Luật sư của người thân thích của người bị buộc tội theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 78, Bộ luật TTHS năm 2015 và giao lại tài liệu của người yêu cầu (mời) Luật sư đã cung cấp".
Như vậy, cả phương diện pháp lý và thực tế, việc xác định mối quan hệ thân thích giữa người yêu cầu với người bị buộc tội và Luật sư đã được xử lý trong quan hệ cung cấp dịch vụ pháp lý, thể hiện trong văn bản đăng ký thủ tục Luật sư; đồng thời Cơ quan điều tra còn có thủ tục hỏi ý kiến bị can bị tạm giam có đồng ý việc người thân thích nhờ Luật sư hay không. Do đó, việc các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Lạng Sơn họp thống nhất đưa ra thêm yêu cầu buộc Luật sư phải cung cấp tài liệu chứng minh mối quan hệ thân thích giữa người mời Luật sư với người bị buộc tội khi Luật sư tiến hành thủ tục đăng ký người bào chữa là không đúng quy định của pháp luật Tố tụng Hình sự và Luật Luật sư. Việc thống nhất này đi ngược lại tinh thần khoản 2, Điều 9, và khoản 5, Điều 27 Luật Luật sư quy định: “5. Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước khác và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ của Luật sư khi hành nghề, không được cản trở hoạt động hành nghề của Luật sư".
Từ những lý do trên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam trân trọng đề nghị Lãnh đạo các cơ quan tố tụng tỉnh Lạng Sơn xem xét lại sự thống nhất thể hiện trong nội dung Văn bản số 27/VPCQCSĐT ngày 05/01/2022 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn nêu trên; đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Bộ luật TTHS, Luật Luật sư.
Đồng thời, đề nghị xem xét bãi bỏ các quy định, ý kiến không phù hợp pháp luật trong hoạt động tố tụng, tạo điều kiện cho các Luật sư tham gia tố tụng, thực hiện quyền bào chữa và quyền lựa chọn người bào chữa của người bị buộc tội đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.
DUY ANH
Áp dụng ‘án treo’: Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị