Ảnh minh họa.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá còn một bộ phận dân cư khó khăn chưa thụ hưởng chính sách do chưa được quy định trong Nghị định số 20/2021/NĐ-CP gồm:
- Trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng đã được quy định tại Luật trẻ em 2016, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật trẻ em;
- Thành viên hộ nghèo, cận nghèo không có thành viên trong độ tuổi lao động hoặc có thành viên trong độ tuổi lao động nhưng mất khả năng lao động;
- Trẻ em dưới 3 tuổi, người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, những đối tượng trên cần được quy định bổ sung là các nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội.
Dự kiến đối tượng được bổ sung hưởng chính sách trợ giúp xã hội khoảng 558.000 người bao gồm: Khoảng 90.000 người cao tuổi từ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo không có lương hưu hoặc trợ cấp hàng tháng; khoảng 457.000 trẻ em dưới 3 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; khoảng 5.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng. Tổng số đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng khi Nghị định có hiệu lực dự kiến khoảng 3,9 triệu người.
Theo đại diện Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, với việc mở rộng đối tượng hưởng trợ giúp xã hội, trường hợp mức chuẩn trợ giúp xã hội dự kiến nâng lên 500.000 đồng thì dự kiến kinh phí tăng thêm khoảng 14.700 tỉ đồng/năm. Trường hợp mức chuẩn trợ giúp xã hội dự kiến nâng lên 750.000 đồng thì dự kiến kinh phi tăng thêm khoảng 34.000 tỉ đồng/năm.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung việc tặng quà cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức bị thiệt hại, gặp hoàn cảnh khó khăn về người, tài sản, do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác gây ra. Với chính sách này, ngân sách trung ương bố trí khoảng 5 tỷ đồng/năm để thực hiện việc tặng quà.
Việc điều chỉnh chế độ chính sách trợ giúp xã hội kịp thời sẽ góp phần ổn định đời sống và hòa nhập cộng đồng cho đại đa số đối tượng bảo trợ xã hội, giúp các đối tượng yếu thế tăng thêm vị thế xã hội trong gia đình và cộng đồng.
MAI HUỆ