/ Thư viện pháp luật
/ Đề xuất hành vi bán hàng hóa cao hơn giá niêm yết có thể bị phạt tới 30 triệu đồng

Đề xuất hành vi bán hàng hóa cao hơn giá niêm yết có thể bị phạt tới 30 triệu đồng

10/12/2023 07:37 |

(LSVN) – Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý của Bộ Tài chính tại dự thảo Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá.


Ảnh minh họa.

Theo đó, dự thảo đề xuất xử phạt hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ như sau:

- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa Điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

- Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối hành vi vi phạm quy định nêu trên trong trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm.

Biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, thực tế triển khai Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, quy định ghép 03 mảng lĩnh vực chính sách về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí, hóa đơn cũng phát sinh khó khăn nhất định trong việc tra cứu áp dụng. Một mặt khác các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá cần phải sửa đổi, hoàn thiện theo hệ thống Luật giá cho phù hợp, trong đó một số hành vi cần điều chỉnh mức phạt còn thấp để đảm bảo tính răn đe.

Do vậy, việc xây dựng Nghị định là cần thiết phù hợp với thực tế phát sinh trong lĩnh vực giá và thẩm định giá. Việc ban hành Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá nhằm đảm bảo phù hợp với Luật giá số 16/2023/QH15 và các văn bản hướng dẫn; Luật xử lý vi phạm hành chính góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá.

VĂN QUANG

Quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam hiện nay

Bùi Thị Thanh Loan